Me là loại trái bình dân và đa dụng (từ lúc trái còn non cho đến khi trái chín). Trái me non (cả lá me non) là thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu trong món canh chua của miền Nam; me già (me sống) muối cam thảo hay làm mứt trong những ngày Tết; me chín ngào đường làm thức uống giải khát và pha chế nước chấm các loại khô nướng (cá khoai, cá đuối…) rất tuyệt!.
Theo y học dân gian, me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể… Còn theo các nhà khoa học, trong 100 gram cơm trái me có khoảng 10% acid hữu cơ, 12,50 % đường, kali và một số hoạt chất khác giúp kích thích vị giác, cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể… Còn trong hạt me có glucozan, xylan, chất béo, sáp, muối vô cơ…
Hàng năm, khi gió chướng lành lạnh bắt đầu thổi lao xao trên những ngọn cây (tháng 10-11 âm lịch) là mùa me cũng bắt đầu. Mỗi khi đi ngang qua cổng trường hay vào chợ, bất chợt thấy người bán me là lòng tôi bồi hồi nhớ mùa me chín quê nhà. Lúc bấy giờ, tôi đã học lớp 4 (lớp 2 ngày nay). Nhà cách trường một khoảng vườn rộng, cây cối um tùm vắng vẻ, góc vườn có một cây me cổ thụ. Mỗi trưa đi học, bọn con nít chúng tôi thường rủ nhau hái trộm me. Mải mê hái trái, mất cảnh giác, có khi bọn trẻ chúng tôi bị chủ vườn rượt chạy “vắt giò lên cổ”, có khi rách cả áo, trầy cả chân, nhưng vẫn không chừa!
Niềm vui cầm trái me dốt (me chưa chín hẳn, thịt hơi vàng, có bột, mềm, ít chua) hay me chín (cơm me màu vàng sẫm, mềm, vị ngọt) vừa mới hái, lột vỏ chấm vào muối ớt (hay mắm ruốc) đưa lên miệng chóp chép thật quyến rũ. Vị chua, hậu ngọt thanh của me thấm vào vị giác, khiến nhiều đứa vì hám ăn phải uống nước nhiều nên ê cả răng, căng cả bụng. Ăn xong, cả bọn tranh nhau “xí phần” những hạt me già để chơi trò đánh búng ăn hạt. Chơi chán, cả bọn gom hạt lại nhờ má tôi nấu chè. Chè hạt me nấu với nếp thơm là một món dân dã nhưng ngon không chê vào đâu được!
Muốn làm món chè này, má tôi phải mất khá nhiều công sức. Phải lựa những hạt me già, hạt cứng, vỏ có màu nâu đen, khi nấu mới dẻo, ăn bùi. Rửa sạch và rang lên cho vàng. Đợi hạt nguội, dùng chày đâm tiêu đập bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài. Lấy nhân trắng hạt me cho vào vịm (chậu bằng sứ có nắp) ngâm với nước tro (tro bếp) ấm trước một đêm (đây là bí quyết để hạt nấu mau mềm và có mùi thơm hấp dẫn). Đổ hạt ra rổ, xả vài lần với nước cho sạch, để ráo. Sau đó, cho hạt vào nồi nước đun sôi trong nhiều giờ với lửa liu riu cho đến khi hạt mềm. Lại vớt hạt ra rửa sạch, để ráo.
Nếp để nấu chè phải chọn nếp thơm ngon, hạt nhỏ (nếp rặt không lẫn gạo hay tạp chất), vo sạch nấu nhừ (như nấu cháo) nhưng không quá loãng. Thả hạt me đã nấu mềm vào. Dùng vá đảo đều cho cả hai hòa vào nhau. Sau cùng, thêm đường cát trắng với nước cốt dừa cho đủ độ ngọt, béo.
|
Còn gì thú vị cho bằng, trong đêm trăng thanh gió mát, cùng bạn bè ngồi quây quần trên chiếc chõng tre trước sân nhà thưởng thức một chén chè hạt me! Múc một muỗng chè đưa lên miệng nhai chậm rãi, mùi thơm của nếp, vị bùi, dẻo của hạt me, hòa lẫn vị ngọt, béo của đường cát, nước cốt dừa thấm vào vị giác, len xuống tận cổ… tạo nên một “hợp khúc”chân quê ngon khó tả!.
Hữu Tưởng (Cần Thơ)