Hồi nhỏ tôi cứ thắc mắc hoài, con ốc bươu, ốc lác trốn biệt nơi nào vào mùa khô, đồng ruộng nứt nẻ, rồi khi mưa xuống là chúng bò ra đầy mương ruộng sinh sôi nảy nở. Lớn lên một chút, chúng tôi hay theo những luống cày để tìm những chú ốc kém may mắn bị lưỡi cày hất tung lên, lúc đó mới hiểu loài ốc biết vùi sâu vào lòng đất khi mùa nắng bắt đầu. Chúng nằm ở đó suốt mấy tháng mùa khô, chờ mưa xuống là chui lên kiếm ăn. Và trong ký ức của tôi thì ốc đồng chỉ có ốc bươu, ốc lác và ốc đắng mà thôi.
Ốc và rau củ vườn nhà
Dân quê bắt ốc đồng có nhiều cách: đi vớt ốc hoặc chống xuồng theo các kênh mương thấy chúng thì xúc, nhưng phổ biến và bắt được nhiều nhất là đi mò. Ốc bươu, ốc lác thường bám theo rong đuôi chồn, bụi bông súng, còn ốc đắng thì đeo theo bụi dừa nước hay những đống chà cây chất dưới mương vườn… Chịu khó lội qua vài mương dừa cũng kiếm được vài ký ốc đồng cho bữa cơm gia đình trong lúc đầu mùa mưa khó kiếm cá tôm. Bao đời nay vẫn thế, dân nhà quê luôn tận dụng những loại rau củ có sẵn bên bờ ruộng, trong vườn nhà để chế biến các món ăn.
Với ốc đồng thì có quá nhiều cách để làm ra những món ngon. Để ngon miệng hơn, người ta nghĩ ngay đến món ốc đắng cuốn với cơm dừa. Hái vài nắm lá cách, nhổ vài tép sả, một ít lá ổi để luộc ốc, nhổ vài bụi cải xanh và chịu khó leo lên cây dừa tìm trái vừa rám vỏ hái vài trái. Món này chuẩn bị nguyên liệu hơi cầu kỳ nhưng nấu lại đơn giản. Ốc đắng rửa sạch cho vào nồi có lá ổi, sả, nhóm lửa lớn chờ nước sôi lên vài lần là ốc chín. Trong lúc này người thì nạo dừa, người lặt rau, người pha nước chấm… tất cả phải nhanh tay để kịp với nồi ốc luộc nóng hổi. Lấy một lá cải bẹ xanh lớn lót lên lá cách, vài loại rau thơm, để năm, bảy con ốc đắng vào và không thể quên gắp một đũa cơm dừa rắc đều lên mặt rồi cuốn lại chấm với nước mắm chanh ớt tỏi. Cái vị đăng đắng, ngòn ngọt của ruột ốc hoà với bao hương vị cây trái quê nhà, nó ngon làm sao không kể xiết. Hồi trước ở xứ tôi hình như xóm nào cũng có một gia đình làm nghề nấu rượu gạo. Hèm rượu sử dụng chế biến nhiều món, chủ yếu dùng để luộc như cá lóc luộc hèm, gà luộc hèm… Và ốc lác luộc hèm cũng là một món ngon độc đáo.
Chế biến gần cả chục món ốc
Đối với ốc đồng dù chế biến bất cứ món gì, trước hết phải làm ruột ốc sạch, ngâm ốc trong nước cơm vo chừng vài giờ để ốc nhả hết chất bẩn ra, sau đó rửa sạch mới đem luộc. Ốc luộc hèm có mùi vị rất riêng, đặc biệt là thịt ốc ngọt hơn so với cách luộc thông thường. Nước chấm ốc luộc cũng đa dạng, tuỳ sở thích mà làm nước mắm tỏi ớt, nước mắm sả ớt, nước mắm gừng hoặc nước chấm với cơm mẻ trộn sả ớt và một ít muối… Đó là nét văn hoá ẩm thực của người xưa truyền lại cho bao thế hệ.
Nay những món ốc đồng có thêm nhiều cung bậc và được các nhà hàng đưa vào thực đơn đặc sản, chẳng hạn món ốc hấp. Món này nhất thiết phải dùng ốc bươu vì nó lớn con. Trước hết phải lấy thịt ốc sống ra khỏi vỏ bằng cách khứa miệng ốc và rút hết ruột ra ngoài, vỏ ốc giữ lại để dồn thịt vào. Ốc băm nhuyễn với thịt heo ba rọi, có thêm nấm mèo, miến và gia vị gồm sả, bột ngọt, muối tiêu, hành khô… tất cả trộn đều rồi dồn vào vỏ ốc. Có người sử dụng một đoạn lá sả hoặc lá gừng làm miếng lót bên trong của nhân để có mùi vị riêng. Sau khi dồn thịt vào vỏ ốc, đem hấp cách thuỷ chừng 30 phút là ốc chín. Có lẽ việc chế biến khá kỳ công này mà món ốc hấp rất lạ miệng. Độ ngon của nó chắc chẳng thua kém món cao lương mỹ vị nào có trên bàn ăn. Món lẩu ốc cũng không kém phần hấp dẫn, chỉ cần một trái dừa tươi, một ít tiêu đập giập và ít gia vị nữa là thành món lẩu nhúng rau xanh rôm rả.
Ốc đồng quê tôi dung dị lắm nhưng cũng đậm tình trong những ngày mưa dầm. Đau đáu nhớ nồi ốc lác luộc lá ổi, ốc đắng với cơm dừa rám vỏ, vài con ốc xào sả ớt hay bỏ vào nồi mắm kho làm cho bữa cơm quê nhà thật ngạt ngào.
bài và ảnh: Đức Ngôn