Ẩm thực Việt Nam



Cóc non ngâm muối đường
theo phunuonline.com.vn

PNO - Tôi còn nhớ phía sau vườn nhà ngoại có 1 cây cóc năm nào cũng trĩu quả. Mỗi khi về thăm ngoại, tôi luôn “thủ sẵn” gói mắm ruốc, để cùng các em ra vườn lấy lồng tre giựt cóc, rồi “cạp” ngon lành những trái cóc non vừa hái mà khỏi cần gọt vỏ.

 
 

Thấy con cháu thích ăn đồ chua, ngoại ân cần chỉ má tôi làm món: cóc non ngâm muối đường, gỏi cóc non (bằm nhuyễn) trộn với tôm - dưa - thịt đầu heo…Món nào ngoại hướng dẫn cũng rất ngon, nhưng món mà tôi  thích nhất vẫn là: Cóc non ngâm muối đường.

 

Tôi còn nhớ lời ngoại dặn má tôi khi làm món này: Trước hết, phải lựa cóc thật non, da còn xanh, thịt cứng (cóc càng non càng ngon vì chua giòn, xơ mềm, có thể ăn luôn cả hột) . Sau khi gọt vỏ bỏ phải chẻ đôi, rửa sạch mủ, để ráo rồi ướp muối, đường, ớt hiểm chín (tùy theo khẩu vị). Dùng đũa sơ đều, để khoảng 1 giờ cho ngấm. Sau cùng, cho cóc vào lọ (hũ) cùng nước gia vị đã ướp, để khoảng 1 ngày sau là dùng được. Muốn để lâu hơn thì cho vào ngăn lạnh. Cóc non ngâm lâu, gia vị ngấm vào trái ăn càng ngon.

Giờ, thỉnh thoảng đi chợ, bắt gặp người bán cóc non, tôi lại nhớ về món cóc chua ngọt khóa khẩu từ vườn nhà. 

Những khi có khách đến chơi nhà trong thời điểm mà “trẻ thời đi vắng, chợ thời xa!...”, thì chỉ cần múc cóc non ngâm muối đường ra dĩa cùng “lai rai” với chút rượu hay bia. Gắp miếng cóc non cho vào miệng nhẩn nha nhai. Vị chua, giòn của cóc xanh hòa với vị ngọt, mặn, cay, the của muối đường, ớt… làm kích thích vị giác.

Theo các nhà khoa học, cóc là cây vùng nhiệt đới, được trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, trái có giá trị dinh dưỡng cao. Theo y học cổ truyền, vỏ cây cóc trị được chứng đau bao tử, kiết lỵ, đau khớp xương; lá cóc trị xuất huyết; rễ cóc điều hòa kinh nguyệt…

Hữu Tưởng

phunuonline.com.vn
11374 lượt xem






Thực phẩm