Nhưng, với người Việt xa xứ, bánh mì không chỉ là một món ăn mà còn là những câu chuyện đời - chuyện tình. Với những người Việt đi du học, du lịch dài ngày, ăn bánh mì còn là ăn thương ăn nhớ quê nhà...
Baoguette và đôi vợ chồng bánh mì
Khiêm tốn nép mình trong dãy phố Lexington ở New York, đối diện với doanh trại quân đội Mỹ đồ sộ và phía sau là công viên của thành phố Quả táo lớn, Baoguette thu hút không ít thực khách Việt thích ăn bánh mì tìm đến. Tiệm nhỏ, chiều ngang khoảng chừng 3m, một băng ghế dài có chiếc bàn dài dành cho những thực khách thích ngồi lại. Một tủ dài để các loại "nhân" bánh mì và một lò nướng bánh, một tủ lạnh bán đủ loại thức uống, có cả cà phê. Khi nghe hai vị khách nói tiếng Việt với nhau, cậu bán hàng người Mỹ đã nhanh nhẹn bật băng nhạc Việt Nam. Và, giữa New York náo nhiệt sầm uất, trong một quán bánh mì nhỏ, tôi đã vừa nghe Quang Dũng hát Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa vừa... "gặm" bánh mì cari cay xé và nước mắt chảy ra mà chẳng biết vì cay hay vì lý do gì...
New York vốn là thành phố không bao giờ ngủ, đừng nói gì tới... ngủ trưa. Nhưng không khí ở Baoguette khá lạ. Có lẽ, nó khá yên ắng vì đối diện là khu doanh trại quân đội chiếm gần cả dãy phố, như một pháo đài lừng lững. Chủ tiệm Baoguette là đôi vợ chồng Michael Huỳnh - Thảo Nguyên. Dường như với đôi vợ chồng "bánh mì” này, sự sáng tạo và tình yêu với bánh mì là không giới hạn. Thảo Nguyên sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề nấu ăn. Đến New York không bao lâu, hai vợ chồng đã cố gắng để đưa bánh mì trở thành món ăn quen thuộc với thành phố không nhiều cư dân người Việt này. Món bánh mì có "ruột" là cà ri thịt heo với thịt heo băm nhuyễn, vị cà ri cay xé mà tôi chọn chính là món "độc chiêu" của Baoguette. Với Michael Huỳnh, bí quyết của bánh mì ngon còn là ở độ nóng giòn: "Luôn phải tươi và mới". New York đắt đỏ nhưng bánh mì Baoguette khá cạnh tranh về giá lẫn vệ sinh thực phẩm so với thức ăn nhanh được bán tại các bếp ăn di động người Mễ khắp phố. Một phần bánh mì của Baoguette có giá từ 3 USD đến 7 USD. Trong khi đó, một xâu thịt gà phi lê nướng kiểu Mễ đã 5 USD.
Trong tiệm bánh mì Baoguette ở New York
Văn hóa mở và sự dung nạp
Bánh mì VN có xuất xứ từ Pháp nhưng đã bị "bản địa hóa" đến mức hiện nay, chiếc bánh mì VN tại quê nhà hoặc chu du theo người Việt trên đường xa xứ đều được người nước ngoài ngầm hiểu đó là bánh mì của người VN. Đó cũng là một điều thú vị về sức mạnh bản địa của văn hóa ẩm thực VN. Không giống người Mỹ thích ăn bánh mì mềm, người VN vẫn thích ăn bánh mì nóng giòn. Và cũng chính đặc điểm này đã giúp bánh mì VN có vị trí riêng trong "làng bánh mì” phong phú ở Mỹ. Thêm vào đó, cũng là thịt nguội, chả lụa, pate, nhưng người VN ở Mỹ tạo cho bánh mì Việt một "phong cách riêng" với pate tự làm có hương vị đặc trưng của nước mắm. Với bánh mì thịt bò nướng, vị quế và nước mắm đã tạo ra sự độc đáo không thể đụng hàng.
Ngoài bánh mì chả lụa, thịt nguội, thịt bò nướng, giới mê bánh mì VN ở Mỹ còn thống kê được các loại bánh mì nhân xúc xích, nhân cà ri... Có thể nói, chiếc bánh mì VN hòa nhập vào đời sống Mỹ đã thành một kiểu văn-hóa-mở như chính nước Mỹ: dung nạp và mở cửa đón những điều... kỳ lạ nhất, cũng giống như việc vỏ bánh mì giòn đón nhận những món "nhân" lạ lẫm làm ruột của mình.
Với những người suốt đời "gặp nhau làm ngơ” với đồ Tây béo ngậy, đồ Mỹ lắm thịt hơi có vẻ "phàm tục" thì đồ ăn Việt trở thành một thói quen ẩm thực, một sự yêu thích mang giá trị văn hóa và cả dân tộc tính.
Đừng ai nói rằng một món ăn chỉ là món ăn. Khi bạn gặp một món ăn quen thuộc trên một đất nước xa lạ, giữa những người xa lạ, khi bạn đưa món ăn ấy vào miệng, đó là cả quê hương đang vẫy gọi.
Chuyện tình bánh mì Boston
Sau phở, bánh mì là món ăn Việt được ưa chuộng ở Boston. Bánh mì Việt ở Boston chủ yếu xuất hiện ở hai khu: Chinatown trong trung tâm thành phố Boston và khu "Vietnam town" - vùng Dochester với hơn 90% dân cư trong khu vực là người VN. Ngoài ra, bánh mì còn xuất hiện trong những chợ người Việt.
Một tiệm bánh mì trong Chinatown ở Boston
Ở thủ phủ người Việt Boston, có hai tiệm bánh mì nổi tiếng vẫn được dân trong vùng và người Việt ở các nơi lân cận tìm đến: bánh mì Ba Lẹ và bánh mì King Do (King, chứ không phải Kinh). Cửa hàng Ba Lẹ nhỏ hơn, kém "long lanh" hơn King Do về mặt trưng bày, nhưng theo anh Lâm Bảy, một tín đồ bánh mì ở Dochester thì "bánh mì Ba Lẹ có pate ngon hơn, thịt bò ướp nước mắm cũng ngon hơn". Cả hai tiệm bánh mì lớn nhất ở khu vực này đều bán kèm các loại xôi, chè, trà xanh, bánh đậu, bánh tét, bánh ú, bánh ít lẫn cơm VN theo kiểu công nghiệp: mua và đi ngay. Sáng sớm nào cũng vậy, Ba Lẹ đông nghịt người xếp hàng dài tận ra vỉa hè. Gần như 100% khách vào tiệm này đều mua bánh mì. Nhiều người mua cả chục ổ cho các đồng nghiệp.
Tại khu Chinatown, dù là thủ phủ của người Hoa nhưng bánh mì Việt vẫn có chỗ đứng của mình. Những tiệm bánh mì ở đây thường có diện tích khá nhỏ với bề ngang chỉ khoảng 2m, đủ chỗ cho một chiếc tủ dài, kệ để bánh, lò nướng và các loại nhân - pate, chả lụa, thịt heo... Các tiệm bánh mì Việt ở Chinatown Boston không có chỗ cho khách ngồi lại. Ngoài bánh mì, chủ tiệm còn bán kèm các loại xôi, chè, gỏi cuốn. Sự sáng tạo của những "nghệ nhân bánh mì Việt" ở Boston cũng không kém gì các bạn đồng nghiệp ở New York. Một trong những loại nhân bánh mì độc đáo nhất của Boston là bánh mì thịt bò nướng với thịt bò ướp vị quế, nước mắm, bột ngọt, đường rồi nướng lên. Một ổ bánh mì thịt bò nướng có giá 3 USD, mua năm ổ thường được tặng một ổ. Bánh mì pate chả lụa giá từ 2,5 USD đến 3 USD. Du học sinh Việt Nam "kết" nhất là bánh mì thịt bò nướng ở khu chợ 88 trên đường Brighton, trong khu vực Boston College. Mua một ổ bánh mì cắt làm hai, bạn một nửa, tôi một nửa, mùi thơm của thịt bò tẩm quế và nước mắm hòa quyện trong vị giòn tan của bánh mì mới ra lò... Chọn thêm một ly chè to với giá 3 USD, hai sinh viên nữ sẽ có một bữa trưa VN ngon lành, vừa đỡ nhớ nhà vừa thỏa mãn cái bao tử, lại vừa hài lòng với túi tiền vốn còm nhom của dân sống bằng học bổng.
Thức ăn Việt bán kèm với bánh mì ở tiệm bánh mì King Do vùng Dochester
Làm quen với giới học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt ở Boston, tôi được nghe không ít chuyện tình... bánh mì của các cô cử, cậu nghè ở xứ người. Nhưng thú vị nhất phải là chuyện tình của anh Nguyễn C. và chị Linda. Anh là người Việt gốc Hoa sống ở Chợ Lớn, sang Mỹ cả chục năm không mảnh tình vắt vai vì mải mê công việc. Tuổi hơn 40, anh vẫn miệt mài kinh sử để học đại học. Nguyễn C. mở một tiệm bánh mì nhỏ trong khu vực Brighton. Chị Linda là người Ba Lan, sang Mỹ học bằng một học bổng nghiên cứu sinh, tằn tiện lắm mới đủ tiêu xài. Nghe bạn bè VN "dụ khị”, chị nhiễm luôn thói quen ăn trưa bằng bánh mì cho đỡ tốn tiền, Mc Donald đằng nào cũng đắt hơn mà lại dễ béo và ngán. Linda mua bánh mì, anh C. bán bánh mì, giá từ 3 USD giảm dần xuống còn... 0 USD, nhân bánh thì ngày càng nhiều lên. Và đến ngày chị xong bằng thạc sĩ, anh xong bằng cử nhân thì họ thành... vợ chồng. Tiệm bánh mì được sang lại, thay vào đó là một nhà hàng nhỏ bán món ăn Trung Quốc, nhưng trong nhà hàng này, vẫn có một món thức ăn VN đã tác thành duyên nợ cho họ: bánh mì.
Hồng Hạnh