Hẹ thuộc loại cây thảo nhỏ. Cây cao chỉ khoảng 20-50cm, có thân mọc đứng, hình trụ hoặc có góc ở đầu. Lá mọc từ gốc thân, hình dải phẳng hẹp, có rãnh, dài 15-30cm, rộng 1,5-7mm. Hẹ cho hoa trắng mọc thành tán ở đầu một cán hoa dài từ 20-30cm. Quả hẹ hình trái xoan ngược, bên trong có sáu hạt nhỏ, màu đen. hẹ thường cho hoa vào tháng 7-8, quả chín vào tháng 8-9.
Theo Tây y trong 1kg lá hẹ có 5-10g đạm, 5-30g đường, 20mg vitamin A, 89g vitamin C, 263mg canxi, 212mg phốt pho, nhiều chất xơ. Nếu ăn 86g hẹ, cơ thể sẽ thu được 1,9g protid, 5,1g glucid và 25 calo năng lượng. Chất xơ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin là một kháng sinh mạnh chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.
Hạt hẹ dùng chữa chứng mộng tinh, di tinh, đái ra huyết, lưng gối mỏi, chứng đàn bà bạch đới, ỉa chảy, viêm tiền liệt tuyến... Liều dùng: 6-12g, giã nát lấy nước uống.
Cây hẹ dùng trị cơn hen suyễn nặng, đờm chặn khó thở, chứng ra mồ hôi trộm, sưng cổ họng khó nuốt, đổ máu cam, lỵ ra máu, viêm mũi, viêm tiền liệt tuyến. Lấy 20-30g giã nát, thêm nước, gạn uống mỗi ngày. Nước hẹ giúp trị viêm tai giữa.
Rễ hẹ là vị thuốc tẩy giun kim nhẹ nhàng và hiệu nghiệm.
Thuốc cho trẻ nhỏ: khi trẻ được 3 tháng 10 ngày, dùng lá hẹ giã nát, lấy nước cốt chà lợi, khi mọc răng trẻ sẽ không bị đau sốt. Hấp lá hẹ và mật ong lấy nước cho trẻ bị ho uống sẽ chóng khỏi.
Trong các món ăn dân giã thì canh hẹ nấu với thịt hoặc với đậu hũ non sẽ có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, có thể chữa được các chứng rôm sảy, mụn nhọt, nóng bứt rứt trong người, cảm cúm, ho hen, sốt, cơ thể nhiễm độc, chảy máu cam do huyết nhiệt.
Cọng hẹ và bông hẹ xào với thịt bò cũng giúp nhuận trường, thanh nhiệt, mát huyết.
Anh Thư