Bí rợ (miền Bắc còn gọi là bí ngô, bí đỏ), là một loại trái đặc trưng khộng thể thiếu trong những bữa cơm đạm bạc của gia đình người dân miệt đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, cây bí rợ là một loại cây bình dị và đa dụng từ: ngọn bí, bông bí, trái bí non, già, lẫn hạt bí…đều dùng được tất cả.
Nói về trái bí rợ, trong ký ức tuổi thơ tôi là hình ảnh mỗi khi má đi chợ mua bí về hầm dừa, anh em tôi thường tranh nhau lấy phần hạt rửa sach, rồi rang chín, chia nhau cùng ăn ngon lành! Mùi thơm thơm của hạt bí, cộng với vị béo, bùi thật hấp dẫn! (hơn cả hạt dưa và hạt hướng dương ngày nay!).
Theo y học dân gian, bí rợ có tính hàn, bổ óc, nhuận trường. Hạt bí rang cho trẻ em ăn trị được bệnh sán lãi… Còn theo các nhà khoa học, bí rợ là nguồn cung cấp vitamin A, C, acid folic, magnesium, kali, chất đạm, acid glutamic rất cần thiết cho hoạt động của não bộ… Người Nhật còn tôn vinh bí rợ vào hàng “trường sinh bất lão” cùng với tảo biển, hải sản, đậu nành và các loại rau…
Bí rợ có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu như: hầm dừa cùng với chuối, nấu canh cá rô đồng… Nhưng còn một món khác từ bí rợ mà ít người biết là: hạt bí rợ nấu chè và sữa hạt bí rợ.
* Chè hạt bí :
Lựa những hạt bí già, rửa sạch phơi khô. Cho hạt bí vào chảo rang vàng (Không nên để bị khét, món ăn sẽ mất hương vị đặc trưng). Đợi hạt bí nguội lấy ra tách vỏ, lấy phần nhân hạt bên trong cho vào cối giã nhuyễn. Đem tất cả phần hạt giã nhuyễn cho vào nồi cùng với nước lạnh (2 phần nước + 1 phần hạt) nấu chín. Cho đường cát vào, nêm nếm cho vừa khẩu vị, nhắc xuống, múc ra chén.
* Sữa hạt bí :
100 gram hạt bí già, rửa sạch (nếu hạt bí khô nên ngâm qua đêm) + 1 lít nước, cho vào máy chế biến sữa đậu nành, ta sẽ được non 1 lít sữa màu kem rất thơm, béo. Có thể dùng lạnh, nóng, có đường hay không đường tùy thích. Thức uống nầy rất tốt, bổ sung chất dinh dưỡng cho bệnh nhận rối loạn tiểu tiện, có mỡ trong máu, bảo vệ xương, chống viêm khớp, chống đại phì tuyến tiền liệt…
Hữu Tưởng