Những hạt mít nài to bằng cái trứng thằn lằn, cháy vàng vàng thơm tận óc. Mặt trời đã lặn từ lâu trên đỉnh núi trước nhà. Một mùa hè nữa sắp trôi qua. Tôi từ lớp sáu lên lớp bảy, tự coi như chàng trai trẻ đã trưởng thành, một mình thả trâu vô núi theo dấu mít nài và bắt chim chèo bẻo.
Nhà tôi ở xứ cận sơn, vườn toàn trồng mít. Những buổi trưa êm, tôi ra vườn thăm mít, trèo lên cây vỗ trái nào kêu bịch bịch mắt liền sáng lên. Cây nào mít nghệ, mít dừa, mít mật, mít ướt… nhìn nước da biết liền. Khi mít vườn chín, trên núi xa mít nài cũng chín. Thằng Thương, thằng Thanh Bắc, anh Soạn và tôi cho trâu ăn ở Hóc Trao. Nửa buổi sáng cả bọn bỏ trâu theo dấu mít nài mọc ở rừng sâu. Những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt, nhiều dây leo, chui dưới tán cả ngày cũng không biết trên đầu mình cây gì. Chỉ tới mùa mít chín, rúc vô rừng ngửi mùi thơm ở đâu thì mò tới đó.
Cảm ơn đàn chồn dơi ở Hóc Trao ban đêm mắt xanh lè như lũ quỷ bay từ cây nọ tới cây kia ăn trái mít nài. Những trái chín bị chồn ăn dở rụng xuống đất thơm không giấu nổi. Nhờ chồn, chúng tôi tìm ra những cây mít nài mới để mùa sau cứ nhắm mắt đi tới tận gốc. Chúng tôi bứt mấy sợi dây mấu bện thành cái nài hình số tám, móc vô hai bàn chân trèo lên thoăn thoắt. Mít nài thường chín rộ, trái già đều bị hái sạch sành sanh. Mỗi đứa cởi áo đùm một bịch, đem ra bìa rừng bẻ lá sầu đông ủ thành một ụ chung.
Trái mít nài lớn hơn nắm tay, ủ trong lá ba bốn ngày thì chín bủn. Múi mít nhỉnh hơn ngón tay trỏ, mùi thơm lạ lùng; mỗi đứa ăn nửa trái đã nghe đầu ong ong. Múi mít nài ăn nhiều nó say còn hơn say rượu. Ngon nhứt vẫn là hạt mít. Chúng tôi chặt giang, bện thành cái rổ, đem cả đống mít nài xuống suối bỏ vô rổ đạp nát nhừ ngay dòng nước chảy xiết. Múi mít tan trôi đi, chỉ còn hạt. Hạt mít nài đem phơi hai nắng, đổ cát vào nồi khuấy đều rang lên. Những người dè sẻn, đem hạt mít nài bỏ trên giàn bếp. Đêm đông lạnh, lấy hạt từ giàn bếp ra rang ngồi nhìn nước lụt, nỗi cô đơn bỗng thơm ngát.
Tôi vào lớp bảy trường Cây Phượng, thằng Qua từ xã trên chuyển về ngồi bên. Nhà Qua nghèo thê thảm nhưng… xa xỉ. Mỗi bữa đi học nó mang theo một bụm mít nài rang, chia cho tôi một nửa. Sau này mới biết, nhà nó không ruộng không trâu, tới mùa nào vô rừng hái thứ ấy đem về bán ngoài chợ phiên. Đêm hè lớp bảy, nó đi mãi không về. Ba nó kêu mấy người hàng xóm thắp đuốc đi tìm. Sáng ra người ta thấy xác nó tím bầm nằm dưới gốc mít nài ở Hóc Trao. Nó chết vì bị một con rắn hổ mây xanh lục nấp trên cây mít nài cắn và rơi xuống đất. Chỉ mấy đứa trẻ cùng lớp với nhau đi đưa tang. Lũ trẻ khóc không ra khóc cười chẳng ra cười.
Năm đó tôi mười hai tuổi và đã biết cuộc đời chưa chắc vui. Buổi sáng tôi đi giữ trâu, buổi chiều đi học. Mùa hè cả ngày thả trâu, cả bọn vô Hóc Trao theo dấu mít nài, bắt ổ chim chèo bẻo. Thỉnh thoảng ba tôi vô núi, mang về một gùi hạt mít. Những đêm vừa ngủ vừa ăn, mùi thơm lan tới cả giấc mơ. Tỉnh dậy mới biết bàn tay phải còn nắm cả một mớ hạt…
Mít nài, tên khoa học là Artocarpus rigidus, thuộc họ dâu tằm Moraceae có nhiều ở miền Đông Nam bộ và Quảng Nam. Tuổi thơ ở xứ Quảng mùa hè lớn lên trong mùi thơm của nó. Sau này tôi có quen một thiền sư, ông nói mít, tiếng Phạn cổ có nghĩa là Phật. Tôi không biết có chính xác hay không vì chỉ thấy người ta lấy lõi cây này về nhuộm áo cà sa và làm tượng Phật trong chùa. Nếu quả thật đó là cây Phật, tôi cầu xin cho linh hồn người bạn xấu số của tôi mãi mãi ẩn náu dưới bóng từ bi, bốn mùa toả hương thơm ngát.
(Nguyễn Minh Sơn, SGTT)