Giống mùng ưa nước, càng ở gần giếng nước hay nơi nước chảy càng tươi tốt. Dọc mập mạp xanh mươn mướt, tàu lá to xòe rộng như chiếc ô. Lia vài đường dao thật ngọt ngang thân là đã có một bó mùng tươi mơn mởn ngọt lành. Phần thân mập mạp ở giữa dùng muối chua là ngon nhất. Cứ cắt bỏ tầu lá, cắt bỏ đầu đuôi mà ném cho đàn gà tha hồ rỉa. Đừng tiếc rẻ mà lấy cả phần ngọn nhỏ xíu khiến cho vại mùng muối kém thanh kém vị. Dọc mùng muối chua chẳng cần tước bỏ xơ ở ngoài như khi chế biến những món khác. Chỉ cần rửa sạch rồi cắt khúc dài khoảng 2-3cm rồi phơi hơi héo.
Phải thật khéo bởi nếu phơi mùng héo quá sẽ kém tươi, nhưng nếu thiếu nắng sẽ mất đi độ giòn. Mùng phơi héo, rửa sạch, bóp với muối rồi lèn vào vại để vài ngày, cầu kỳ hơn còn cho vào ít sợi giá để vại mùng thơm và đậm vị. Khi nào nếm thử miếng mùng có vị chua dìu dịu là món ăn đã hoàn thành. Vại mùng muối ở những làng quê miền Trung quen thuộc như vại dưa, vại cà. Vào bữa ăn, cứ gắp một chút ra chiếc đĩa con, trộn thêm ít ớt tươi, vài sợi lá chanh thái chỉ là đã đủ để “đưa cơm”. Miếng mùng hơi ngả sắc vàng, chua thanh nhè nhẹ quyện với chút cay cay mằn mặn và hương thơm thoảng nhẹ của lá chanh tươi, chấm với mắm ruốc là tuyệt khẩu.
(Tịnh Tâm, TNO)