Chính nguồn nước lợ tạo nên từ sự hoà trộn giữa nước biển và nước sông nơi một địa vực đặc thù đã làm cho tôm cá ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có được cái phong vị đặc biệt ấy…
7 giờ sáng, hàng cá ở chợ Thuận An (nằm bên cửa biển – thị trấn Thuận An) đã khá đông người bởi ai cũng muốn đi sớm để mua được phần tôm cá tươi ngon. Nhộn nhịp, sôi động hơn là khu bán cá tôm đầm phá. Bên khu đất trống nhìn ra mặt phá, nhiều phụ nữ đang phân loại cua để chờ bạn hàng đến lấy. “Người mua lẻ chỉ một ít thôi, số nhiều được bạn hàng đến lấy mang lên Huế, vô Đà Nẵng. Cua Tam Giang thịt chắc, lại mềm, thơm nên được các nhà hàng ở Đà Nẵng ưa chuộng lắm…”, một người buôn cua nói.
“Cá biển dại, cá mại khôn”
Những người bán cá cho hay những loại cá ngon, mỗi con nặng chừng dăm bảy lạng trở lên đều được một số thương lái thu gom ngay tại bến nước để mang đến các quán ăn đặc sản. Bày ra trên những chiếc mẹt, những giống cá đặc hữu của vùng đầm phá như kình, dìa, ong bầu, mú, hồng, tho… dù đắt giá hơn cá biển nhiều lần vẫn luôn níu chân người mua. “Cá phá đã ngon lại hiền nên đắt là phải. Cá biển dại, cá mại khôn, nhỏ như con cá mại ở phá mà cũng ngon, cũng có giá hơn, ông bà xưa đã nói rồi mà…”, một người đàn ông nói khi bán ra một con cá dìa huê nặng hai lạng với giá 25.000 đồng cho một người mua đi thăm người đau. Một người bán cá khác vân vê một con cá bống nặng một ký, còn bơi trong thau nước và hô giá 160.000 đồng bởi đây là loại “cá bống tiến vua, chỉ có ở phá Tam Giang thôi”. Một người mua săm soi con cá dầy nặng một ký, cuối cùng rồi cũng phải mua với giá 200.000 đồng.
Vùng đầm phá mênh mông này từng được biết đến như một vùng quê nghèo khó, tù đọng bởi lượng cá tôm mọn mằn so với biển khơi, thị trường tiêu thụ lại chỉ bó gọn, khép kín ở địa phương. Nhưng đó là chuyện ngày trước. Giờ đây chuyện con tôm con cá của đầm phá vươn ra ngoài. Không chỉ những danh ngư, những loại “cá tiến vua” của Tam Giang được lên xe đến các tửu gia, lữ quán ở các đô thị xa xôi, ngay cả những loại cá tôm tí hon ở đây cũng đĩnh đạc với danh vị đặc sản bởi cái ngon thực sự của chúng. Dọc dài suốt một đoạn quốc lộ 1A từ Lăng Cô đến TP Huế, khắp chợ phố, chợ quê, khắp các nhà hàng, quán ăn ở Thừa Thiên – Huế đâu đâu chúng tôi cũng thấy những hũ mắm tôm, mắm sò, mắm rò được bày bán. “Năm 2009, chỉ một xã Vinh Hiền đã xuất bán ra trên 100 tấn các loại mắm rò, sò, tôm. Hàng của mình vô Sài Gòn, lên Tây Nguyên, sang tận Lào, cung không đủ cầu đó…”, ông Hoàng Văn Cầu, chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), phấn chấn.
Nuôi giữ miếng ngon
|
Rong ruổi khắp Tam Giang, điều chúng tôi ngạc nhiên ấy là chuyện nuôi cá phá của cư dân. Ngay cả những con người đã đổ mồ hôi ra để có những con cá nuôi trưởng thành ngay trên mặt phá cũng bồi hồi trước kết quả có được. “Con cá ngon bị mình săn lùng miết rồi sẽ cạn kiệt. Dân mình xưa nay cứ quen lưới chài, có ai lại nghĩ đến chuyện đi nuôi con cá hoang ngoài phá. Rứa mà chừ nuôi được”, ngư dân Lê Liệu ở thôn Hiền Hoà, xã Vinh Hiền, nói. Chừng tám năm trước, khi giăng sáo bắt được những con cá hồng, cá mú nhỏ, anh Liệu nảy ra ý quây lưới ngoài phá nuôi chúng thử có được không. Vậy là anh rủ người trong làng cùng nuôi thử mỗi người dăm bảy chục con hồng, con mú, băm nhỏ cá tôm và cả vãi cơm cho chúng ăn để chờ ngày. Đúng là con cá nuôi ngoài phá được cho ăn đủ thì mau lớn, sau một năm đã cho anh và mọi người kết quả. Vậy là việc nuôi những giống cá phá ngon, quý đã được ngư dân Vinh Hiền nhân rộng với những bài học mò mẫm từ thực tế.
Dường như để cân đối thị trường, để cung đều món ngon vốn có của phá cho người ăn, mỗi vùng phá lại nuôi những loại cá khác nhau. Thêm vào với hồng, mú, vẩu, ngư dân ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) còn nuôi thêm các loại cá tho, nâu; còn ở xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) thì thêm các loại cá kình, dìa. Không để thiếu cua ngon Tam Giang, ngư dân các xã Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) đã nuôi chúng từ vài ba năm nay. Cánh cửa thị trường, những vận hội làm ăn mở ra đã kích thích sự sáng tạo của vùng ngư dân lâu nay chỉ biết lầm lũi với cách làm ăn cố hữu từ ông cha truyền lại. Nắm được quy luật sinh sản của những loại cá nuôi trên phá, ngư dân một số làng chài đã dong ghe đánh bắt những luồng cá con vừa từ các cửa Thuận An, Vinh Hiền tản vào phá đem về nuôi ươm để chờ bán cho người nuôi. “Nhiều làng chài ở Hải Dương (huyện Phong Điền), Phú Thuận (huyện Phú Vang) chuyên ươm nuôi cá con để bán. Họ có được nguồn thu, còn người nuôi cá trên phá thì có được nguồn cá giống. Rứa là việc nuôi cá trên đầm phá coi như đã có bài bản rồi…”, chủ tịch UBND xã Quảng Công – nơi có sản lượng nuôi trồng trên phá nổi trội, nói.
Việc nuôi cá phá đang còn ở bước đầu. Nhưng giữa lúc lượng cá tự nhiên của Tam Giang bị suy giảm, nhu cầu cung ứng miếng ngon của đầm phá tăng cao, những bước đi mang tính vỡ vạc của vùng cư dân mới ngày nào còn hiu hắt đã là một niềm vui với cư dân, với những ai đến vùng sóng nước vang tiếng này.
(bài và ảnh: Huỳnh Văn Mỹ, SGTT)