Không biết từ bao giờ người dân xứ tôi đã dùng lá vằng, mà một số nơi khác gọi là lá chè vằng, còn gọi theo tên chữ là hoàng đằng, để uống thay trà hoặc chè tươi. Cây chè vằng mọc khắp nơi từ rừng sâu đến vườn. Khi mùa xuân đi qua là thời khắc để người dân vào rừng kiếm lá vằng về phơi khô để uống.
Ngày xưa, chỉ một vài nhà vào rừng hái chè vằng về cắt nhỏ, ngắn bằng gang tay rồi đem phơi nắng nấu uống giải khát hàng ngày, về sau cả làng cùng uống thứ lá đắng đắng mà ngòn ngọt này, lâu dần trở thành thói quen dùng thường xuyên. Và rồi ngày nay, người dân quê tôi đã phát triển thứ lá này thành một hàng hóa để bán cho du khách khi ngang qua quốc lộ hay những người có nhu cầu vào thẳng làng để mua.
Khi nhu cầu của thị trường tăng cao, làng tôi nghĩ ra cách luyện thành cao thứ cây này thành từng bánh nhỏ bằng bàn tay để bán cho tiện lợi. Cao vằng nấu từ thân, lá và rể cây vằng trong gần 20 giờ với ngọn lửa thật đều, lửa không đều là cao kém chất lượng. Chỉ cần cắt một mẩu nhỏ từ miếng cao lá vằng đã cô đặc, hòa vào nước sôi là có một thức uống thơm ngon giữa những ngày hè.
Lúc anh em chúng tôi còn nhỏ, nhà tôi chỉ dùng hai loại thức uống là nước sôi để nguội và lá chè vằng. Do uống không quen nên chúng tôi chỉ dùng nước sôi để nguội, đến những ngày hè nắng như lửa đốt, mồ hôi đầm đìa, tưởng chừng uống bao nhiêu nước thì nó ra theo đường mồ hôi bấy nhiêu, càng uống nước càng thấy cổ họng khát cháy.
Thế là mẹ tập chúng tôi uống nước là chè vằng, ban đầu mới đưa vào mũi thì cái mùi ngai ngái thật khó chịu, ngậm mãi ở trong miệng mà không sao nuốt được, nhưng sau khi cố “nhắm mắt” nuốt thì một lát sau thấy vị ngọt nhẹ nhàng nơi đầu lưỡi. Quả là hiệu nghiệm trông thấy, thứ lá “khó uống” đó như một vị thuốc giúp giải khát hữu hiệu.
Một vài lần uống, anh em chúng tôi đã ghiền thứ nước này. Mẹ bảo: “Là chè vằng có công dụng thanh nhiệt, giải độc, kích thích tiêu hoá, phù hợp với người sau khi sinh con”. Vì thế khi chị hai sinh đứa đầu lòng, mẹ buộc chị uống nước chè vằng bằng được dù bình sinh chị không hợp gu với nó.
(Yên Mã Sơn, SGTT)
Cây chè vằng lấy về đem băm nhỏ khoảng 7 - 8 cm, phơi nắng, phơi sương đến khi khô nỏ, có thể cất giữ bao lâu cũng không mốc, dành uống dần. Cách nấu như nấu nước chè xanh, nhưng khác với chè xanh là được nước, không thiu. Chè vằng đun lại ba lần, uống vẫn đậm, không mang tiếng vô duyên như chè xanh - "chè hâm lại, gái ngủ trưa". Nước chè vằng thoạt uống có vị đắng, sau thấm ngọt, có giá trị như cây thuốc nam, uống tiêu độc, giảm béo. Nó cũng rất phù hợp với những phụ nữ mới đẻ nhờ tính mát và lành. Chè vằng lại rất rẻ. Nhà nào người đông, uống chè vằng thường xuyên thì mỗi tháng chỉ hết khoảng mươi nghìn. Nhiều gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày nay đang coi chè vằng là món quà quý, đậm đà vị quê và để giảm béo, tiêu độc, kích thích tiêu hóa trong mùa hè.
Chè vằng dễ nhầm lẫn với lá ngón, một loại cây rất độc, không chỉ vì cây chè vằng đôi khi còn được gọi là cây lá ngón, mà còn vì hình dạng bên ngoài, thân, cành chè vằng tương đối giống với thân cành lá ngón, nhất là khi đã chặt khỏi gốc và bỏ hết lá. |