Sắn là loại cây chịu nắng tốt, rất phù hợp với đất và khí hậu của miền Trung. Sắn được trồng khắp nơi, đặc biệt là ở vùng đất đồi quanh nhà. Đi đâu cũng thấy một màu xanh tím của sắn. Vào khoảng đầu tháng chạp là người ở quê tôi làm đất để trồng sắn. Trước mùa mưa, khoảng tháng 3, tháng 4 là thời gian thu hoạch. Đất quê tôi tốt nên sắn rất nhiều củ. Một bụi sắn có thể có từ 7 tới 8 củ, cân lên cũng phải trên chục kí lô. Khi sắn hãy còn tươi, người ta rửa sạch đất cát, cạo lớp vỏ ngoài, thái lát mỏng rải trên những tấm bạt, phơi khô ngoài nắng.
Để làm bánh tráng sắn phải xay sắn khô thành bột mịn. Đổ nước vào bột sắn để ngâm, khuấy đều lên, bột lắng xuống dưới thì đổ lớp nước vàng ở trên đi. Công việc này phải làm trong vòng ba hoặc bốn ngày, cho đến khi nước ngâm bột sắn trong veo mới đem bột ra tráng bánh. Người quê tôi gọi bánh này là bánh sắn lọc vì khi phơi khô bánh sẽ trong vắt, ăn rất ngon. Ngon nhất là ăn kèm với rau muống và cá nục hấp.
Rau muống cũng là một trong những loại rau dễ trồng nhất ở quê tôi, hầu như nhà nào cũng có một mảnh đất nhỏ trồng rau muống. Gọi là trồng, chứ thật ra chỉ cần xới tơi đất lên, giâm những nhánh rau muống xuống, tưới nước hàng ngày, sau hai tuần là đã có rau cho cả nhà ăn.
Mùa hè cũng là mùa của cá nục. Cá để ăn món này phải là những con cá nục chạch mình tròn, tươi ngon nhất là loại cá được những người đi biển hấp chín ngay khi vừa kéo lưới lên. Cá nục hấp rất dễ ăn, không cần chế biến cầu kỳ, mua về chỉ việc hấp cách thuỷ một lúc cho nóng hoặc chiên qua dầu là có thể dùng được ngay.
Trải bánh tráng sắn ra, xếp một lớp cá nục, vài cọng rau muống cuốn lại, chấm nước mắm chua ngọt. Vị chan chát của rau muống, béo thơm của cá nục hấp, giòn dai của bánh tráng sắn, cay cay của ớt hòa thành mùi vị thật thích thú.
Bạn hãy một lần thưởng thức bánh sắn lọc cuốn rau muống và cá nục hấp, sẽ hiểu vì sao những người con xứ Quảng dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu, làm bất cứ nghề gì, khi về quê cũng tìm ăn cho bằng được món ngon đơn giản này.
Phan Thị Kim Loan