Ẩm thực Việt Nam



Bài 1: Ngải bún – bí ẩn của hương vị bún cá 
theo phunuonline.com.vn

PNO - Về miền Tây mà chưa thưởng thức bún cá (thường được gọi chung là bún nước lèo) là bạn đã bỏ qua hương vị “nhất phẩm” miệt đồng xứ lúa.

 

 

Nếu Kinh Bắc có món phở, Kinh kỳ có bún bò Huế, thì bún cá miền Tây dù “tuổi đời” còn non trẻ như chính vùng đất khai sinh ra nó, nhưng cũng không kém cạnh các bậc đàn anh đàn chị về hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nét độc đáo của bún cá nằm ở sự “biến hóa” phong phú theo dòng chảy con sông Cửu Long: đến mỗi vùng miền, bún cá lại chuyển đổi hương vị, khoác lên mình một cái tên mới, đậm chất địa phương: bún kèn/bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Trà Vinh, bún mắm Sóc Trăng,…

Nguyên liệu chính của bún cá là cá lóc, cá rô đồng hoặc mắm cá, nhưng hương vị thật sự làm nên nét riêng của từng món bún cá lại là từ củ ngải bún – một loại gia vị đặc trưng chỉ có ở miền Tây.

Cô Trúc Phương, chủ nhà hàng Ẩm Thực Xanh (46 Trần Huy Liệu, P.12, Phú Nhuận) cho biết: Củ ngải bún còn gọi là ngải hẹ, tên khoa học là auttum crosscus, có nguồn gốc từ Campuchia. Ngải bún mọc hoang trong những khu rừng ở Seam Reap, Battambang... Người Việt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sang Campuchia lập nghiệp đã mang củ ngải bún về trồng ở Việt Nam cách đây khỏang 45 năm. Ngải bún dùng để nấu bún nước lèo (num-chóc) và món kèn dừa (xăm-lo bờ-hơ), hai món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của những gia đình người Việt từng cư ngụ tại Campuchia, hiện đang sống rải rác khắp các tỉnh Nam bộ.

 

Ngải bún được trồng bằng củ vào đầu mùa mưa ở miền Nam, khoảng đầu tháng 5 dương lịch. Đất trồng phải tơi xốp, không úng nước, thường là đất đen pha sỏi nhỏ. Lá ngải bún là lá đơn dài, hình lưỡi mác, giống lá nghệ, nhưng nhỏ hơn. Cây ngải bún không có hoa, phát triển nhiều ở phần củ. Trồng khoảng 5 - 6 tháng, đến cuối mùa mưa, sau khi phần lá lụi tàn, là lúc người ta thu hoạch củ ngải bún. Ngải bún có hương thơm dìu dịu, vị ngai ngái, gợi nhớ đến hương vị của đất đai, núi rừng hoang dã.

Điều thật sự khác biệt của món bún cá chính là hương vị thanh đạm (do nước dùng nấu từ cá), món ăn không chứa nhiều dầu mỡ và chất béo như các loại bún mì nấu từ thịt. Bên cạnh đó, rau xanh dùng kèm lại rất phong phú và đa dạng. Chỉ bấy nhiêu là đã đủ “lập danh” cho bún cá miền Tây!

Trúc Vân

 
phunuonline.com.vn
682 lượt xem


Thực phẩm