Đến mùa bầu mùa bí, trái nhiều vô kể. Mẹ tôi thường hái đem ra chợ bán, trái nào ngon mẹ gởi lên thị xã cho dì tôi. Ở thị xã, người ta cũng có bán nhưng mẹ vẫn gởi lên vì dì bảo thích ăn bầu quê mình!
Mẹ có cách giữ bầu được rất lâu. Vào những hôm trời nắng đượm vàng, mẹ cắt quả bầu thành từng miếng mỏng (mẹ bảo càng mỏng càng giòn, ngon), rồi đem phơi. Mẹ thường phơi bầu trên những cái mẹt lớn bằng tre. Để cho đỡ bụi, mẹ bỏ những cái mẹt ấy lên mái nhà. Có hôm không đủ mẹt để phơi mẹ phơi cả trên mái tôn. Bầu phơi “được nắng” khi ăn mới giòn, trắng chứ không bị thâm đen.
Bầu khô, mẹ cho vào bao ni lông rồi đem treo trên giàn bếp. Thi thoảng hôm nào thiếu thức ăn, mẹ lấy ra vài nắm bầu khô, cho vào nước ấm, rửa sạch, để ráo nước, sau đó đem kho với thịt heo hoặc xào với tỏi. Bầu khô thường được để dành dùng vào những ngày rét cắt da cắt thịt hay những ngày mưa dầm, chợ búa khan thức ăn.
Tuổi thơ tôi gắn với món bầu khô kho thịt vào những ngày mùa Đông của mẹ. Tôi còn nhớ cái năm lụt kinh hoàng đi qua quê tôi, một trận lụt to nhất và lâu nhất. Cả nhà phải leo lên trên gác xép (mà dân nông thôn gọi là cái tra) ngồi. Mẹ cầm theo nồi nấu cơm, gạo và gói bầu khô. Trước khi mì tôm và hàng hoá cứu trợ đến được với nhà tôi, chúng tôi đã cầm cự ngày hai bữa bầu khô kho với mỡ heo hay xào với tỏi. Nước ngập phía dưới, đói và lạnh, nên nồi cơm nửa sống nửa chín vì thiếu lửa mà chị em chúng tôi vẫn ăn ngon lành.
Những năm sinh viên xa nhà, quanh năm ăn cơm bụi. Thi thoảng trở về quê lại được mẹ kho bầu khô “chiêu đãi”, cái món dân dã quê nhà ấy sao mà ngon lạ thường.
Lấy chồng, lập nghiệp ở thành phố, tôi thường kể với chồng, con về món bầu khô của mẹ ở một vùng quê xa. Mỗi lần nhắc, tôi lại nhớ dáng mẹ ngồi cắt bầu dưới mái hiên bị thời gian, bão gió xô nghiêng mà rơm rớm nước mắt. Không biết quê mình giờ có còn ai phơi bầu khô?
Yên Mã Sơn