Làm bún sắn rất công phu. Đầu tiên củ sắn được bào vỏ xắt lát phơi khô rồi đem xay thành bột. Ngày trước chưa có máy xay, người Quế Sơn giã sắn bằng cối, giần lấy bột mịn. Để có được bột sắn trắng ngon phải ngâm sắn lát vài ngày đêm cho sạch mủ mới rửa sạch đem phơi. Làm như vậy bún sắn sẽ không có vị chua.
Đem bột sắn khoấy chín thành hồ rồi cho vào bàn ép. Hai ba người cầm cần bàn ép, một người thợ cả đứng dưới hứng bún chảy xuống bằng những tấm vỉ tre, bún có đẹp hay không phụ thuộc vào người thợ này. Sợi bún có ngon hay không thì phụ thuộc vào bột sắn. Bột sắn ( hồ bột ) nếu chín quá sẽ dính, không ép được, nếu sống thì bún bở không ngon, ăn dễ đau bụng. Bún sắn được làm vào những ngày hè tốt nắng. Người ta phải khuấy hồ từ lúc nửa đêm để ép phơi cho kịp nắng và phải phơi khô liền trong ngày, nếu để cách đêm bún sẽ rất dai và dở. Khi bún khô, gỡ khỏi vỉ đem cất nơi khô ráo.
Để tô bún sắn ngon, nước nhưn ( nước dùng ) phải là nhưn cá đồng. Ngon nhất là cá nhét (cá chạch) và cá tràu (cá lóc). Không có cá nhét, cá tràu thì nấu nhưn bằng cá ngừ hay gà, đậu xanh... Rau sống phù hợp với bún sắn là búp chuối sứ và chuối cây con xắt mỏng, rau húng, dấp cá… Nếu không có mấy loại rau ấy thì dùng cải con cũng hợp.
Bún sắn không cần nấu lại mà chỉ ngâm nước lạnh vài phút cho mềm rồi vớt ra để ráo nước. Bỏ rau vô tô, cho bún lên trên rồi chan nước nhưn nóng. Rắc vài hột đậu phụng rang trên cùng.
Bưng tô bún sắn thơm phức lên, vừa ăn vừa cắn ớt sừng trâu hít hà, đảm bảo bạn sẽ nhớ bún sắn Quế Sơn mãi cho mà coi. Những người con của đất Quế Sơn đi làm ăn xa, hễ có ai về quê luôn dặn với theo một câu: Nhớ mang bún sắn vô nghe!
Anh Quốc