Ngày đó bố mất, mẹ một mình nuôi ba anh em ăn học, bữa cơm của mấy mẹ con chẳng mấy khi có thịt cá. Cơm dọn ra chỉ bát nước mắm, vài quả cà với nồi canh rau mồng tơi - gần như ngày nào cũng vậy. Rau mẹ hái ngoài vườn, rửa sạch, nước đổ vào nồi, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối, bắc xuống, thế là thành canh.
Hôm nào mẹ đi chợ mua ít thịt bỏ vào, nồi canh trở nên ngọt lạ, tôi cứ đưa bát liên tục. Mẹ bảo: “Nấu canh có thịt dễ ăn hơn phải không con?”. Tôi ngây thơ gật đầu. Thế là từ hôm đó nồi canh rau mồng tơi của mẹ thay vì chỉ có nước lã đã có thêm chút thịt. Tôi lớn dần theo món canh rau mồng tơi của mẹ, ăn riết thành ghiền. Mà lạ một nỗi, vườn nhà tôi trồng rau gì cũng không thể phát triển được trừ rau mồng tơi.
Ngày tôi vào đại học, mẹ cũng ăn mừng bằng nồi canh rau mồng tơi, nhưng lần này là nấu bằng nước luộc gà. Trước hôm tôi, đi mẹ dặn đủ điều. Lúc mẹ tiễn ra xe, tôi chẳng dám ngoái lại nhìn, nhưng qua gương chiếu hậu, tôi thấy mẹ khóc. Dáng mẹ gầy gò, đứng lẻ loi cuối con đường cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường dài...
Vào Sài Gòn chỉ có một mình, lạ lẫm và cô đơn, tôi nhớ mẹ vô cùng. Bữa cơm đầu ăn ở quán, theo thói quen tôi gọi canh rau mồng tơi, nhưng người ta không có, thế là tôi nhịn đói luôn. Lúc ấy, tôi chỉ ước gì mình có đôi cánh bay về với mẹ, để lại được ăn với mẹ bữa cơm chiều, được húp bát canh rau mồng tơi, được ngủ chung với mẹ.
Thời gian trôi nhanh quá! Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc này là hằng ngày đi làm về nhìn thấy mẹ, cất tiếng gọi "mẹ ơi".
Từ Linh Hương