Thứ cây này dễ sống, mọc tự nhiên, rễ, thân, lá, hoa, quả đều là vị thuốc quý của người dân quê, dùng nấu lấy nước uống chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, cảm hàn...
Ngày nhỏ, mỗi khi tôi đi học về gặp mưa, người mệt ê ẩm, thế nào mẹ cũng nấu món canh lá lốt để tôi giải cảm. Chỉ cần vài con tôm đất bắt được ngoài đồng, mẹ ra vườn hái nhúm lá lốt, là đã có bát canh cho cả nhà. Mẹ tôi thường chọn những con tôm còn sống búng tưng tưng, làm sạch vỏ, giã nhỏ, ướp tiêu, đường, muối. Lá lốt sau khi rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ. Đặt nồi lên bếp, phi thơm tỏi với dầu ăn, cho tôm vào xào chín, đổ nước chờ sôi rồi cho lá lốt vào, nêm gia vị vừa ăn. Các loại canh rau khác cần phải kèm theo rau thơm như hành, ngò... canh lá lốt chỉ cần cho thêm ít gừng tươi giã dập, ít lá rau quế hoặc lá ngải cứu xắt nhỏ để tạo mùi thơm. Những ai lần đầu thưởng thức món canh này sẽ thấy hơi đăng đắng, quen rồi dăm ba bữa mà không ăn lại thấy thèm...
Vào những ngày nóng, có được bát canh lá lốt nấu với nghêu, sò, hến... thì chẳng còn gì bằng. Nước vừa sôi đổ ngay nghêu vào luộc, vài phút sau nhanh tay vớt những con nghêu đã nở bung như những cánh hoa. Nước luộc nghêu lọc bỏ cặn, bắc lại lên bếp. Khi nước sôi, cho ruột nghêu vào, nêm vừa ăn, thêm một ít cà chua và cuối cùng là lá lốt. Muốn có bát canh ngon, đẹp mắt, phải thả lá lốt vào lúc nước đang sôi, đợi canh sôi kỹ lại rồi tắt bếp ngay thì mới giữ được màu xanh của lá mà vẫn chín mềm. Thịt nghêu ngọt bùi kết hợp mùi thơm thoang thoảng của lá lốt, tạo nên hương vị đậm đà, khó quên. Ngày còn bé, lần nào mẹ nấu canh lá lốt, tôi cũng đợi cho bằng được lúc mẹ vừa dập lửa bếp, để rồi thích thú khi được bê bát canh nóng hổi, khói nghi ngút và thơm lừng.
Chiều nay, gió mùa đông bắc tràn về mang theo cái lạnh đến tê tái. Ở phương xa, bất chợt thèm một bát canh lá lốt nóng hổi mẹ nấu thuở nào.
Phan Thị Thanh Ly