Mùa “ba khía hội”, đêm nước rông tràn bờ lai láng, người ta xách lồng đèn, lội dọc bờ kênh bắt ba khía đeo nghẹt thân cây mắm, đem về rửa sạch, bỏ vô khạp. Nước muối nấu sôi, vớt bọt cho trong, chờ nguội đổ vào, đậy kín khoảng 4-5 hôm. Có nhiều cách chế biến: luộc, lăn bột chiên, xào me, xào sả, nấu canh chua..., nhưng ngon nhất, mộc mạc và đặc trưng “ba khía” nhất, là ba khía trộn.
... Không biết ghiền ăn ba khía từ lúc nào, chỉ nhớ nhà nghèo, ít thịt thà, bữa cơm có ba khía thôi cũng đủ ngon lắm rồi! Ngày đó ba khía muối thường bán chục (10 hoặc 12 con), chứ không trộn sẵn, cân gờram như giờ, gói trong tấm lá sen xanh mướt. Mua về, má bỏ vô tô lớn, đổ nước nóng rửa vài ba lượt, lặt bỏ mai, yếm, xé thành những phần nhỏ. Đâm tỏi, ớt thật nhiều, thật cay, đổ ba khía vô rồi trộn thêm đường (đường cát vàng hột to, đường thẻ nấu sệt hay đường thốt nốt cũng lạ), vắt chanh. Chỉ vậy thôi, không me, không tương xí muội, không... hằm bà lằng như bây giờ. Để càng lâu, ba khía càng dịu và ngon.
Ba khía ăn với cơm nguội mới đúng điệu, mà phải lấy tay bốc nữa. Nhẩn nha ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay... Cái hương vị thật tuyệt vời, thật cá mắm, thật sông nước miền Tây, thật đồng bằng Nam bộ. Tôi đã từng ăn cơm với ba khía trong bếp nhỏ nhà má, dưới gốc khế vườn ngoại, có khi cạnh đám bần nước ven sông, ngoài cánh đồng mới gặt xong còn trơ rạ... Những khung cảnh hương đồng gió nội đó hòa quyện, làm nền cho món ăn dân dã này càng thêm “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong khuynh hướng tìm về thiên nhiên, những rau luộc, kho quẹt, cá cơm kho, cà tím nướng... đã vinh danh trong menu của các nhà hàng sang trọng, thì cơ may dành cho ba khía là đương nhiên! Tuy nhiên, tôi không hình dung được món ba khía trộn nếu thưởng thức trong nhà hàng máy lạnh thì sẽ ra sao? Mấy năm gần đây, ba khía hiện diện trong các quầy kính của siêu thị trông rất vệ sinh và cao cấp, nhưng mua về ăn thử thấy không ngon, không tìm ra “hương” ba khía, chỉ toàn mùi gia vị!
Cuộc sống thành thị cuốn đi, thực đơn mỗi ngày bổ sung thêm món Tây, món Tàu, Nhật, Hàn Quốc..., món ăn quê nhà, món ăn tuổi thơ, món ăn kỷ niệm vẫn nằm sâu trong ký ức. Năm thì mười họa về Sa Đéc, má hỏi muốn ăn gì má nấu. Lần nào cũng vậy: Má ơi, trộn ba khía đi!
Thật bất ngờ, nhận email của Linda từ Houston: “Dì nhắn ngoại gửi ba khía cho con”! Đứa cháu thế hệ 9X sinh ra và lớn lên nơi đất khách quê người mà cũng biết và muốn ăn món dân dã của quê cha đất tổ. Thấy lòng rưng rưng...
Có ai như tôi, đã ăn và “thương nhớ” hoài... ba khía?
Mây Mây
(Bài cập nhật từ số báo ngày 06/04/2008)