Chiều chiều, mẹ tôi tranh thủ xách chiếc xô nhỏ dạo một vòng quanh những ruộng lúa mới gặt, lượm những con ốc bươu núp dưới gốc rạ, đem về làm bữa tối cho cả nhà. Những con ốc bươu màu vàng, hay xanh rêu to như những chiếc chén uống trà đua nhau bò trên thành của chiếc xô, trông thật thích mắt.
Mẹ tôi bảo, nếu chưa chế biến ngay, thì phải ngâm ốc trong nước qua đêm, có thể thay nước vài lần để chúng nhả hết những cặn bã, bùn đất. Còn muốn chế biến ngay, phải ngâm ốc trong nước có nhiều lát ớt cay, như vậy, khi ăn, ốc sẽ không còn bị sạn hay có mùi bùn. Khi luộc ốc, chỉ nên đổ thật ít nước để ốc chín bằng hơi hoặc cho thêm một chút rượu để khử mùi tanh của ốc. Nếu muốn ốc có mùi thơm, có thể luộc chung với gừng và một ít lá sả. Sau khi ốc chín, mẹ lại cặm cụi ngồi khêu ruột từng con.
Mẹ nói, nên chọn những quả chuối xanh già là tốt nhất. Cắt trái chuối thành ba phần, dài chừng hai đốt ngón tay là vừa ăn, bổ dọc làm tư hoặc làm sáu. Ngâm qua nước vo gạo pha với mẻ hoặc bỗng rượu để chuối bớt nhựa và giữ nguyên màu, không bị thâm, khoảng 15 phút vớt ra rổ, để ráo nước.
Ốc nấu chuối dễ làm. Chỉ cần bỏ ruột ốc đã khêu lăn qua mỡ với tỏi, sau đó đổ nước vào nồi, cho chừng hai muỗng cà phê mẻ hoặc bỗng rượu để tạo màu nước. Nêm gia vị vừa ăn, chờ nước sôi chừng hai phút mới bỏ chuối vào, đun vừa lửa cho tới khi chuối chín tới là có thể múc ra tô. Nhớ rắc thêm chút lá lốt xắt nhỏ để món ăn có mùi đặc trưng. Mẹ còn dặn, ốc nấu chuối phải được dùng nóng thì mới tận hưởng được mùi vị đặc biệt của nó.
Dù chúng tôi đã được mẹ dạy nấu món này nhiều lần, nhưng vẫn thích được đích thân mẹ nấu cho ăn. Vì dường như mẹ còn có bí quyết riêng thì phải.
Giờ tuổi mẹ cũng đã cao. Chúng tôi, đứa sống ở Hà Nội, đứa học trong Sài Gòn, nhưng mỗi lần về nhà, đều không quên làm nũng mẹ, để được ăn món ốc nấu chuối thơm ngon của ngày nào.
Song Ninh