Xin trình là món này lạ lắm, hễ mỗi lần ai đó ngó bữa cơm mà ngán thịt, ngán ăn những món quen mà bà vợ ở nhà hoặc tiệm cơm bày ra thì lập tức nhớ đến món cá lóc kho lạt với củ cải trắng.
Một người bạn tôi kể rằng: “Hồi đó má tao muốn đổi món cho cả nhà, bả đi chợ, mua cá lóc nhỏ bằng cùm tay con nít, còn gọi là cá trào. Mấy con cá lóc ăn mồi cần câu cắm hoặc câu rê mà nếu được cá lóc tát đìa càng ngon. Cá mới lớn không có chút mỡ, thịt chắc ngọt. Bây giờ tao dặn vợ tao đi chợ mua cá lóc đồng của mấy bà dưới miệt quê lên bán, đừng mua cá lóc nuôi, thịt mỡ lềnh thấy ớn ăn”.
Món này kho như vầy: cá lóc làm sạch, cắt ra từng khứa không dày không mỏng, ướp chừng khoảng mươi phút với hành lá và ớt tươi đâm nhuyễn, sau đó đổ nước mắm ngon vô, bắc lên bếp kho liu riu. Củ cải bào vỏ, cắt từng miếng nhỏ hình chữ nhật, cho vô nồi luộc sơ. Khi nồi cá kho đã sôi, canh nước mắm vừa thấm vào cá thì đổ cả phần nước củ cải, lẫn củ cải vô chung với nồi cá. Chờ khi nồi cá sôi trở lại ít phút thì bắc xuống nêm hành lá và tiêu bột.
Người nhà quê từ xưa chế món này có bột ngọt đâu mà tính chuyện nêm nếm cho thêm ngon miệng, thành ra ngày nay cũng không cần phải nêm bột ngọt. Cam đoan nồi cá kho lạt với củ cải bốc mùi ngọt thơm tới ứa nước miếng.
Ăn cơm, mà nếu được cơm nấu bằng gạo ngon với món cá lóc kho lạt với củ cải trắng là nhất hạng. Thịt cá lóc chín và từng miếng củ cải kho chín sơ đều mềm ngọt thơm nồng không thể tả! Món này ngày xưa dọn ra bàn ăn, cái thì và với cơm trắng, còn nước thì giằm thêm ớt chấm cải mù cu (một loại cải có vị nồng thơm như cải bẹ xanh), đọt lá cây keo, hoặc những loại rau lá có thể ăn sống. Lúc đó thực khách mới ngậm nghe rồi nuốt trọn hương vị tuyệt vời của món ngon điền dã.
Ngày nay ở đô thị người ta có thể ăn món này với rau muống bào trộn với giấm nuôi, gắp một đũa rau muống bào chấm lút vô nước cá kho lạt rồi đưa hết vào miệng thì mới thiệt cảm nhận được thấu cái vị chát của rau, vị chua của giấm nuôi, vị mặn lạt, ngọt nồng của nước và thịt cá lóc kho củ cải.