Bồn bồn còn có tên là Thủy hương (thủy: nước; hương: cây nhang) vì hoa trông giống hình cây nhang cắm ở dưới nước. Tên khoa học của bồn bồn là Typha angustifolia, thuộc họ Typhaceae. Đây là loại cây hoang dã, thường mọc nơi đầm lầy và ruộng thấp, nhiều nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu… Những năm gần đây, cây bồn bồn được người dân miền Tây trồng nhiều để làm dưa hay bán tươi nên dần trở thành một đặc sản nổi tiếng và là loại cây “xóa đói giảm nghèo” của các địa phương này.
Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn (thân, lá, gốc) được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất ngon như: xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi, nấu canh dừa…
Nhắc đến cây bồn bồn, tôi lại nhớ những ký ức tuổi thơ. Hồi đó ở quê, mỗi khi nhà túng thức ăn, ba tôi thường xách rổ ra ruộng xúc tép, sau đó xuống mương, tước vài nắm bồn bồn về cho má tôi chế biến món bồn bồn nấu canh dừa ăn cùng với tép rang.
Bồn bồn lựa phần non trắng rửa sạch. Phần gốc cắt khúc chẻ đôi, phần thân và lá cắt khúc vừa đũa gắp. Vắt một chén nước cốt dừa để sẵn. Cho phần gốc bồn bồn vào nồi. Lược lấy nước dừa dão cho vào ngập xâm xấp bồn bồn, nấu sôi vừa chín tới (dùng nước dão vừa đủ, nhiều quá sẽ mất ngon!). Kế đến, cho phần thân, lá bồn bồn vào, nấu chín. Tắt lửa, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Sau cùng, đổ nước cốt dừa đậm đặc vào, đảo đều, nhắc xuống. Thế là xong!
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Gắp một miếng bồn bồn nấu canh dừa nhai chậm rãi, sau đó húp một muỗng canh… Vị ngọt, béo của nước cốt dừa hòa lẫn vị giòn tan của bồn bồn... thật là "đưa cơm”. Ăn món canh này với các món mặn như: tép rang, cá kèo kho tộ, hay ba khía trộn chanh, tỏi ớt nữa thì thật đậm đà!
Hữu Tưởng