Lịch sử fast food
“Fast food” là một cụm từ dùng để chỉ những món ăn vừa chế biến nhanh vừa có thể ăn trong thời gian nhanh, thậm chí để ăn tranh thủ trên đường đi. Fast food được chế biến từ những nguyên liệu đảm bảo nguồn năng lượng cần thiết cho một ngày lao động nhẹ. Hình ảnh một người Mỹ vội vàng đi trên đường phố, với túi đựng fast food trên tay, đã được coi là tiêu biểu cho lối sống, phong cách Mỹ.
Một trong những bậc tiền nhân của ngành fast food Hoa Kỳ là Carl Karcher. Sinh trưởng tại vùng nông thôn bang Ohio, năm 24 tuổi, Carl dời quê nhà đến California với ước mơ về cuộc sống tươi đẹp ở chốn thị thành hoa lệ. Năm 1939, ông quyết định tự kinh doanh bằng việc bán xúc xích dạo đến tận tay những tài xế lái xe trên đường. Từ quầy thức ăn, Carl mở rộng thành những nhà hàng mang tên ông và tiếp tục kinh doanh thịt nướng tới tận tay những bác tài vì đường xá đông đúc mà không muốn bước ra khỏi xe mua thức ăn. Carl đã biến việc ăn uống trên xe thành mốt thời bấy giờ. Những cô phục vụ trong trang phục hấp dẫn, di chuyển như bay trên những đôi giày patin, mang thức ăn tới tận xe đem lại cho thực khách cảm giác vô cùng thú vị.
Trong khoảng thời gian đó, hai anh em nhà McDonald cũng theo đuổi mô hình kinh doanh giống như Carl tại bang California. Sau một thời gian, McDonald hợp tác cùng Ray Kroc - người cung cấp sữa lắc cho cửa hàng – khai trương cửa hàng McDonald’s phục vụ thức ăn nhanh đầu tiên tại bang Chicago. Thực đơn của cửa hàng gồm bánh hamburger, khoai tây và sữa lắc. Bánh hamburger và khoai tây là nguồn doanh thu chính của cửa hàng McDonald’s. Sau đó, cửa hàng đã chế biến một số những loại bánh mới để phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương.
Một nhãn hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng khác của Mỹ là KFC (có nghĩa là Kentucky Fried Chicken- Gà rán Kentucky) với người sáng lập là ông Harland Sanders. Món truyền thống của KFC là gà rán Kentucky do chính tay ngài Sanders sáng chế bằng cách thêm những gia vị khác nhau vào món gà rán thông thường. Hiện nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất với hàng ngàn cơ sở kinh doanh trên khắp thế giới.
Ngoài những thương hiệu fast food lừng danh thế giới trên, nước Mỹ còn vô số những đại gia khác đang hoạt động trong ngành công nghiệp hái ra tiền này như Pizza Hut, Burger King, Whataburger …
Hai mặt của fast food
Fast food ở Mỹ rất đa dạng: không chỉ có hamburger, sandwich hay pizza mà còn có các loại khác như cơm trộn, mỳ trộn, hotdog, khoai tây chiên … Riêng hamburger và khoai tây chiên được coi là mặt hàng chủ đạo của những nhà hàng kinh doanh fast food. Thành phần của hamburger gồm có một chiếc sandwich kẹp với miếng thịt xay, gia vị đi kèm là tương ớt, tương cà và một số nước sauce khác. Nước uống khi ăn hamburgur thường là nước ngọt có gas. Khẩu phần này sẽ cung cấp 1.800 kcal, đủ cho một nhân viên văn phòng làm việc suốt ngày.
Fast food rất giàu tinh bột chất béo và chất đạm, nhưng lại rất ít rau xanh. Với những gia vị kích thích sự ngon miệng, một người thể dùng tới 2 – 3 phần ăn một lúc. Đó chính là điều kiệh để năng lượng thừa tăng lên. Bên cạnh đó lối sống công nghiệp khiến sự di chuyển, vận động của con người ngày càng ít đi. Tất cả những điều đó chính là nguồn gốc gây nên căn bệnh béo phì.
Tuy thế, không ai phủ nhận sự ngon lành, sự tiện lợi mà fast food mang lại cho con người, đặc biệt trong nhịp sống hối hả ngày nay. Những nhà hàng fast food của nước Mỹ đang mọc lên như nấm trên toàn thế giới.
Thụy Lâm