Đặc sản 3 miền



Nấm tràm đầu mùa mưa ở Đức Huệ
theo SGTT

Chuyến đi Đức Huệ cuối tuần đã được gút và sẽ khởi hành vào sáng thứ sáu 10.5. Mục tiêu chuyến đi là theo chân mấy người dân đi dặm cá lia thia gần cuối mùa ở tận đồng bưng Bình Thành. Đầu tuần còn kiểm tra lần cuối là xứ ấy chưa mưa. Vậy mà thứ tư, thứ năm trời đổ cơn mưa lớn. Thúi hẻo! Vì mưa lớn nước ở đồng bưng nhiều là cá đi hết. Không ai đi dặm nữa.

Nhưng không thể không đi. Và, biết đâu tái ông thất mã? Mà thật, nhờ vậy lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy tận mắt những tai nấm tràm tươi.

Mấy năm trước, nhờ ông anh Lý Thân, một người nghèo mê đồ cổ, rủ về quê ở Lái Thiêu ăn giỗ mà biết được nấm tràm khô. Biết được người đàn bà mấy chục năm ngồi bán nấm trong chợ Lái Thiêu. Vừa bán nấm khô, vừa ngâm nước sẵn một mớ nấm, dành cho hạng khách hàng bận rộn không có thời giờ ngâm cho nấm nở và cát lắng bớt xuống đáy nồi.

Một thời gian cũng lâu lâu trở lại, bà bán nấm vẫn còn đấy. Dự tính mua ít nấm ngâm sẵn, mua luôn con cá lóc đồng, đem ra chỗ quán Tư Quốc ở khu Cầu Ngang nhờ cô chủ quán nấu lại bữa cháo cá lóc nấm tràm được cô nấu cho mấy năm trước, hồi mới biết nấm tràm được ít lâu.

 

Nhưng lần này bà không có nấm ngâm sẵn. Có lẽ hàng ế ẩm. Ước mơ tan tành như vại sữa của cô Perette trong thơ ngụ ngôn của Lafontaine.Để chẳng bõ công ra Lái Thiêu, thôi thì ghé lại quán Tư Quốc làm bữa thỏ. Hỏi ra, mới biết bà chủ quán đi vắng. Mới nhớ, bà chủ dặn: “Có muốn ăn gì, phải gọi điện dặn trước”. Nhưng vẫn thích tự mình trở lại cái sạp nấm của bà bán nấm từ thời còn con gái đến nay đã ngót nghét 70.

 

Mưa hai cây, ở đồng bưng Bình Thành, cách thị trấn Đông Thạnh khoảng hai chục cây số, cách cửa khẩu Tho Mo bảy, tám cây số, đã có những chồi nấm đầu mùa nhú lên. Nhân, một thanh niên ở Đức Huệ, chuyên nghề dặm cá lia thia, mà tôi có lần nói đến trong bài Lia thia quen… hũ mắm chua, hôm đó kiếm cá chẳng được mấy vì nước nhiều quá. Để khỏi lỡ ngày công, anh vào hú hoạ trong khu rừng tràm và hái được một mớ nấm.

 

 

  Mẻ nấm tràm có lẽ là đầu tiên ở Đức Huệ. Ảnh:Trần Việt Đức

 

Bình Thành với những con đường tràm keo mọc thành vòm chạy qua những đồng bưng thật thơ mộng. Dẫu biết rằng vùng đất cằn này chẳng cây gì sống nổi ngoài tràm keo.

 

Nấm tràm tôi thấy hôm ở Đức Huệ có màu nâu trên mũ và thân có đoạn trắng đoạn nâu. Trong khi nấm tràm khô thì nâu đen toàn phần.

Trưa hôm đó, ngồi ăn cháo nấm tràm cùng mấy người dân địa phương. Nấm tràm đắng, nhưng ăn một tai xong mà chiêu chút nước lạnh là thấy ngay cái hậu ngọt của thứ nấm này. Bởi đắng, trong tiếng Anh, nấm tràm có tính ngữ bitter đứng trước từ bolete.

Lần trước ăn nấm tràm khô, lại gió hiu hiu từ con kinh ở Cầu Ngang thổi về, cả bàn ai cũng buồn ngủ làm một phen hoang mang. Lần này không gặp lại cơn buồn ngủ ấy.

Một ông già tên Út, người địa phương nói trong bữa cháo: “Nhưng nấm tràm keo không ngon bằng nấm tràm cừ đâu”. Thì ra thế. Không biết tràm dầu có nấm không? Đến nay vẫn chưa tìm thấy câu trả lời. Tìm khắp hết Google chỉ thấy nói có một loại nấm tràm.

Ngữ Yên
SGTT
1196 lượt xem






Thực phẩm