Lương y Đinh Công Bảy, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “Rau càng cua giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, nhưng không tốt với những người bị sỏi thận”.
Tuy nhiên một số bạn thân của người viết, đã cố tình quên lời bác sĩ dặn dò khi gặp các món sà lách rau càng cua.
Giàu phong vị
Gặp người đầu bếp tri âm, họ sẽ phối rau càng cua thành món sà lách ngon "dư sức" thuyết phục những người sành ăn khó tính.
Nguyên liệu cho món này cũng đơn giản: ít rau càng cua, thịt bò phi lê, vài cái trứng gà và gia vị thông thường. Song cái khó là người đầu bếp phải điều chế hỗn hợp gồm dầu giấm, đường, muối, bột ngọt, ớt hiểm giã đạt đến độ hài hòa.
Chưa nếm, khách đã nghe mùi thơm phảng phất. Nước giấm chua thanh dìu dịu, “giao lưu” cùng những cọng rau tươi mướt, giòn rào rạo, mấy miếng thịt bò ngọt đậm, mềm mại vừa chín tới.
Và mấy miếng trứng luộc bổ tư, trắng tươi, ửng hồng, vị beo béo, bùi bùi. Chén nước chấm trong veo, ửng vàng, cay - ngọt vừa phải. Tất cả giao hòa, đưa người ăn lên "đỉnh sướng thần khẩu"!
Chị Nguyễn Thị Oanh, bếp trưởng quán 24, trên đường Nguyễn Văn Mai, gần chợ Tân Định (TP.HCM), “mát tay” với món gỏi vừa kể chia sẻ: Bạn pha cỡ một chén ăn cơm gia vị nước dùng và chấm cho 200g rau càng cua đã làm sạch là vừa ngon.
Tỷ lệ gia vị như sau: 1/3 chén giấm nuôi, 1 muỗng cà phê ớt hiểm giã, 1/2 muỗng tỏi giã, 1 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/3 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh nước mắm ngon. Quậy cho tan đều. Đun vừa sủi tăm, cho vào một muỗng cà phê dầu ăn loại ngon. Múc ra 1/3 lượng nước này dùng làm nước chấm. Phần còn lại để nguội, rưới lên hỗn hợp rau và thịt, trứng đã sơ chế. Vắt thêm một trái chanh cỡ vừa, trộn nhẹ nhàng.
Đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân cho rằng, bà đã thử trộn sà lách rau càng cua với ít thịt nạc gà luộc, xốt mayonnaise cũng “ngon khuynh đảo” lắm!
Hay anh Quốc Việt, chủ một quán ăn ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang bày rằng, muốn ngon giản tiện hơn bạn cũng có thể trộn loại rau này với ít cá mòi hâm nóng và trứng gà luộc.
Bốn mùa hội ngộ
Rau càng cua là loại rau sạch, thích mọc ở những nơi có chất mùn (một dạng phân hữu cơ), dưới bóng râm: chậu cây kiểng, gốc tre, gốc cà phê, kẹt lu hứng nước mưa... Thường khi trời sa mưa khoảng nửa tháng, những hạt rau càng cua nhỏ nhoi lại nẩy mầm, nhú lên những chồi xanh...
Thân rau càng cua mảnh mai, lom khom như dáng mẹ quê dãi dầu nắng mưa. Và trước khi lụi tàn, khóm càng cua “mẹ” sẽ gieo vô số hạt giống cho đời sau. Rồi một vòng đời rau càng cua khác sẽ tiếp nối, khi gặp thời tiết thuận lợi.
Thêm một tin vui về loại rau “đặc sản” vừa kể, theo anh Quốc Việt, một số nhà vườn ở ĐBSCL đã dưỡng rau càng cua mọc quanh năm. Mục đích là để ăn hoặc bán.
Một khi miền Tây có thì chợ Bến Thành (TP.HCM) cũng có loại rau này. Tất nhiên giá cả ở đây có thể cao hơn gấp đôi so với các chợ quê. Nhưng được cái tiện lợi và thỏa cơn ghiền của bao “tâm hồn ruộng”, vì nhiều lẽ phải phiêu bạt chốn thị thành.
Đôi khi, mấy cọng rau nhỏ bé vừa kể đã khiến không ít Việt kiều nhớ quê hương da diết hơn. Ông Phan Trung Kiên, Việt kiều Pháp, quê Bạc Liêu, vừa hồi hương, chưa đến nhà đã gọi điện nhờ người thân đi hái mớ rau càng cua về ăn với mắm kho cá đồng, nồi đất.
Suốt cả tuần, bữa ăn nào ông Kiên cũng nhấm nháp loại rau bình dị này. Ông tâm sự: “Trời Tây cành lạnh thì tui càng thèm những rau cỏ xứ ấm nóng quê mình, nhất là mớ rau càng cua. Thèm rau, nhớ quê đến quay quắt!”.
(Tạ Tri, TNO)