Với nhiều người con của Huế, dù có đi đến đâu thì món ăn yêu thích nhất vẫn là bún bò. Chồng tôi hồi mới quen thường đưa tôi đi ăn bún bò. Hết ăn ở mấy quán Huế trên đường Trần Huy Liệu đến quán bún bò nổi tiếng chuyên bán cho khách Nhật dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, kể cả những quán ngon có tiếng dù nằm trong hẻm hóc hay một góc chợ nào đó… Anh còn nói với tôi, anh thích nhất là món bún bò và sẵn sàng ăn phụ tôi nửa tô tôi sớt qua vì cay quá ăn không nổi. Mỗi lần ăn xong là nước mắt nước mũi tôi trào ra vì cay và lo lắng trong bụng “Trời ơi, mình đã không biết ăn cay mà còn muốn lấy chồng miền Trung nữa chứ!”.
Cưới nhau về, tôi mới thấy là mình... lo xa vì cuộc sống gia đình cũng không quá căng thẳng như tôi tưởng tượng. Món bún bò má anh nấu cũng chẳng cay như hồi xưa tôi mới ăn, không biết vì tôi đã quen ăn cay sau 7 năm yêu nhau hay là má nấu không cay cho cả nhà đều ăn được?
Má chồng tôi nấu ăn rất ngon, có lẽ do bà là người Huế chính gốc, hay tỉ mẩn làm món này món kia . sau này lấy chồng lại làm dâu bà nội, bà già rồi vẫn tự mình khâu vá nấu nướng , sống ở Sài Gòn mà ngay cả nước mắm ăn trong nhà bà cũng tự ướp cá, vắt, lọc như hồi còn ở ngoài Trung.
Vậy mà má chồng tôi cưới dâu về chẳng đòi hỏi nữ công gia chánh , mấy đứa con dâu thích gì thì má chỉ , không thích nấu thì má hay dì nấu cho ăn . Tính má chồng lại hay tâm sự với con dâu, sau mỗi bữa ăn bà lại kéo ghế ra ngồi kể chuyện. Nghe má anh kể món bún bò ngon nhất mà bà được ăn là món bún bò đầu heo. Tôi lấy làm lạ, đầu heo mà đem nấu bún bò? Má kể: Ngày xưa, thời thiếu thốn, bà ngoại vất vả chạy chợ, làm mắm nuôi con. Sau chái nhà lúc nào cũng xếp hàng loạt chum vại: mắm ruốc, nước mắm, mắm nêm, mắm thính cá chuồn… Thế mà cuộc sống vẫn không dư dả. Thỉnh thoảng, bà ngoại bày ra nấu mấy món ăn chơi cho con đỡ thèm như chè kê, xôi, bánh Huế… nhưng món mà cả đám con đứa nào cũng thích chính là bún bò.
Không có thịt bò, cũng chẳng có tiền mua giò heo, bà ngoại mua một cái thủ về nấu bún. Đây là phần rẻ nhất của con heo vì ít thịt, nhiều xương, đem về sơ chế rất cực. Phần xương đầu bà đem hầm nấu cho ngọt nước, cũng nêm nếm đầy đủ mắm ruốc, sả bó đập dập không khác gì món bún bò truyền thống. Phần thịt đem ướp nước ruốc, gia vị rồi bó lại hầm chung trong nồi nước lèo cho mềm. Chỉ vài tiếng đồng hồ là mùi thơm đặc trưng của món bún bò bay ra khắp nhà làm mấy cái bụng đói cồn cào. Sả ớt màu điều đem xào làm ớt sa tế, trút một nửa vô nồi nước lèo, một nửa dọn ra mâm kèm chén mắm dằm ớt thóc cay xây xẩm mặt mày .
Sắp bún cọng lớn ra tô xếp thịt heo xắt mỏng lên trên ăn kèm rau sống , chan vá nước lèo thơm mùi mắm ruốc, cả nhà cùng tấm tắc khen ngon. Món ăn không có những khoanh giò nạc , giò gân hay thịt bắp bò như thời dư dả, chỉ có mấy miếng thịt mũi giòn giòn, lỗ tai thấm mùi mắm ruốc sừn sựt trong miệng đã là niềm mơ ước của đám con đang tuổi ăn tuổi lớn. Má tôi cón kể món bún bò đặc biệt này lâu lâu mới được ăn, giai đoạn đuợc ăn nhiều nhất là lúc làm nhà, bà ngoại hay nấu vào cuối tuần để đãi thợ .
Vậy mới thấy món bún bò Huế có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Huế như thế nào. Trong những câu chuyện hoài niệm của má, tôi chợt phát hiện ra linh hồn của món ăn chính là mắm ruốc, sả cây và vị cay nồng của ớt sa tế. Thiếu những thứ đó thì không thể có món bún bò. Còn dù cuộc sống thiếu thốn đến đâu thì món ăn ấy vẫn tìm mọi cách có mặt bằng cái khéo léo lạ lùng của bà nội trợ.
Sau này mỗi khi có dịp gì đặc biệt hay muốn các con về họp mặt là má chồng tôi lại nấu bún bò. Bà ghi nhớ tính tình từng đứa, biết tôi hay ăn móng giò là dặn người làm đi chợ mua móng, tự tay nấu. Nếu tôi bận việc đột xuất phải ghé trễ thì bà luôn luôn để dành cho tôi. Tô bún bò bây giờ vẫn ngon, vẫn có đầy đủ những món huyết, giò, thịt bò phi-lê nhưng má tôi cứ ngồi kể chuyện xưa, lại kết luận là nó vẫn không thể ngon bằng tô bún mà bà ngoại nấu. Má tôi ngồi kể chuyện rồi nhiều khi rưng rưng nước mắt , vì bà ngoại đã đi rất xa.