Bánh khô mè có dạng hình vuông hoặc chữ nhật, bên ngoài là một lớp mè được kết dính đường non tinh chất dẻo như mạch nha. Các cụ già xưa cho biết, khi đem cúng quảy, bánh trên dĩa phải xếp theo hình bát giác, ngũ giác hoặc tứ giác biểu trưng cho bát quái, ngũ hành, tứ tượng tương hợp với Dịch lý. Như thế mới có thể cầu xin được đất trời giao hoà ở bốn phương tám hướng, tạo nên quốc thái dân an, gia đình hoà thuận.
Bánh khô mè được làm từ bất kì loại bột nào trong ngũ cốc. Nhà nghèo, người ta chế biến bằng bột sắn; nhà khá giả - bột nếp hương. Mè cũng vậy. Có thể, khi ăn bánh khô mè, khách biết được một phần nào đó gia cảnh chủ nhân. Bánh khô mè phải chịu qua bảy lần nướng lửa mới thành bánh ngon. Do vậy mà nó còn mang tên là bánh bảy lửa. Có một điều lạ khi nướng qua vài lần, môt lát bánh khô mè tự nhiên biến ra hai lớp bánh nhập lại một như hai mặt âm dương của đồng tiền cổ, ở giữa có một lớp xốp. Ăn vào nghe tiếng xốp giòn tan trong miệng, cảm nhận được hương vị bùi bùi của mè, chất ngọt thanh của đường non. Uống một ngụm trà móc câu nữa thì còn gì khoan khoái hơn trong ngày Tết? Nhưng trước hết, hãy bẻ bánh làm đôi, nếu thấy những sợi tơ đường óng ánh thì đúng là do tay làm bánh có kỹ thuật “thượng thừa”. Mùa đông giá rét, người làm bánh còn thêm ít quế Trà My của quê nhà và ít gừng cay để tăng cảm giác ấm khi ăn.
Hầu như trước kia bánh khô mè chỉ là sản phẩm gia đình. Những cùng nổi tiếng là Cẩm Lệ, Non Nước, Đà Nẵng làm được loại bánh khô mè đậm đà hương vị Quảng Nam. Bây giờ đã khác. Bánh khô mè đi vào thị trường ẩm thực sau năm 1990 mà Phương Minh, cơ sở làm bánh tại Non Nước đã có công đi đầu. Bánh được đóng hộp, vào bao, có in hình núi Ngũ hành theo lối tranh thuỷ mặc, có đăng ký chất lượng với Chi cục Đo lường Chất lượng Quảng Nam Đà Nẵng. Du khách trong và ngoài nước có thể mua bánh khô mè ấy ở sân bay, sân ga và nhất là khi đến tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
NGUYỄN HỮU LỢT
(Trích từ tập Hương vị quê nhà, Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 1996)