Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dụng công chế biến cổ hũ dừa thành nhiều món ngon hấp dẫn, từ xào, nấu đến kho, hầm hoặc làm nhưn bánh xèo, thứ nào cũng gây mùi nhớ.
Đặc biệt, chỉ mới vài năm gần đây thôi, nhiều tay sành ăn lại sáng tạo thêm món gỏi cổ hũ dừa với nhiều kiểu cách đa dạng, vừa tinh tế vừa lạ miệng.
Cổ hũ là phần "ruột non" của ngọn dừa. Sau khi chặt và lột hết bẹ ra, phần còn lại có màu trắng đục, thịt thơm giòn, nồng và ngọt, mùi vị rất đặc trưng.
Chính phần cổ hũ béo, ngọt là nguồn thức ăn bổ dưỡng giúp cho con đuông phát triển. Do đó đuông dừa mà đem lăn bột chiên hoặc hấp xôi ăn thì không còn chỗ nào chê được!
Cách làm cũng không khó nhưng đòi hỏi phải công phu và tỉ mỉ. Cổ hũ dừa xắt nhỏ đều tay rồi rửa sạch, đem ngâm nước đá để tăng độ giòn. Xong trộn chung với tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm. Sau đó cho tôm sú luộc và thịt nạc khìa xắt mỏng vào trộn chung. Nhiều đầu bếp khéo tay còn chăm chút rắc thêm rau răm, ớt đỏ thái chỉ, hành tây…vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà. Mới nhìn vào thôi đã phát thèm và muốn khám phá ngay mùi vị đặc trưng của cổ hũ dừa cùng với các thứ gia vị đi kèm. Món cổ hũ dừa thường là thức dùng lai rai khai vị sau chén súp mở màn, nhưng cũng có thể dùng món này chung với cơm.
Theo kinh nghiệm dân gian, dừa càng già cổ hũ càng ngọt. Vì vậy bà con thường tuyển chọn những cây dừa lão, ít trái hoặc những cây cho trái kém chất lượng để chặt lấy cổ hũ và trồng lại các giống dừa đặc sản để thay thế.