- 23/11/2012 20:51 - 1864 lượt xem
- Thích | 0 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận
Đố các bạn vì sao tôi lại đặt tựa bài viết này là “Hoa bếp nhà”? Vì tôi sẽ viết về các loài hoa được trồng ở gần nhà bếp ư? Tôi nói đùa đấy, gọi là “hoa bếp nhà” vì chúng sẽ sắp xuất hiện trong bếp của các chị em chúng ta. Hoa bếp nhà hay còn gọi là những loài hoa có thể ăn được (edible flowers) được sử dụng trong ẩm thực dùng để tạo nên hương thơm hoặc dùng trang trí đã hơn hàng trăm năm nay. Người Roman là những người đầu tiên nhất sử dụng hoa để nấu ăn, và tiếp theo sau đó là Trung Quốc, Trung Đông và Ấn Độ. Những loài hoa ăn được phổ biến nhất trong suốt thời kỳ cai trị của nữ hoàng Victoria. Úc nổi tiếng là một quốc gia có uy tín về môi trường trong sạch, những vụ mùa hoa ăn được từ trồng từ vườn Magic Gardens của ÚC đặc biệt rất thơm và tươi mát. Những loài hoa dân dã không những có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn mà còn rất tốt cho sức khoẻ. Đó là những loài hoa rất đỗi quen thuộc: bông bí, hoa chuối, bông điên điển, bông lục bình, bông hẹ, hoa điên điển, bông lẻ bạn, bông mướp, bông sầu đâu, bông so đũa, bông sen, bông súng và hoa thiên lý, hoa cúc, hoa cải, hoa hồng, hoa nhài, hoa atiso … Những loài hoa này đã đi vào thơ ca Việt Nam với nhiều hình ảnh lãng mạn, trữ tình. BÔNG BÍ VÀNG Bí ngô là loại cây có tác dụng rất tốt với sức khỏe. Từ lá bí, thân bí, quả bí hay hạt bí chúng ta đều tận dụng để chế biến thành những món ăn ngon, bổ dưỡng. Bông hoa bí cũng được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon và độc đáo. Trước hết, nói về việc chọn bông thì chúng ta phải chọn những bông bí đực không thể đậu quả, bông cứng, tươi, có màu vàng đậm, búp bông to, cuống màu xanh. Sau đó, phải sơ chế trước khi nấu: ngắt bớt phần cuống già và cứng, tước bỏ phần vỏ có lông nhỏ li ti, ngắt bỏ phần nhuỵ hoa ở bên trong cho khỏi bị vị đắng, nhặt sạch lá đài. Sau đó cho hoa vào nước muối pha loãng ngâm trong vòng 5-10 phút rồi vớt ra rổ cho ráo nước và chuẩn bị chế biến món ăn. Lưu ý đừng ngâm nước lâu quá, hoa sẽ bị dập và không còn nguyên vẹn. Các món ăn có thể được chế biến từ bông bí: bông bí luộc lẫn rau bí chấm nước thịt cá, chấm tương, bông bí xào thịt, xào tỏi, xào nghêu… Nhưng hấp dẫn nhất nhưng lại khó thực hiện nhất phải kể đến món canh bông bí nhồi thịt và chả bông bí. Cách thực hiện như sau: Tôm, mực, thịt nạc vai heo quết nhuyễn, trộn tiêu hành, mắm muối, bột năng. Bẻ gập các cánh hoa úp đè lên nhau, nhẹ tay bỏ vào chiên với lửa nhỏ để bông bí còn màu vàng tươi, không bị cháy xém. Chả bông bí beo béo, thơm thơm, chấm nước tương dầm ớt. Ngày nay, món bông bí không chỉ còn là riêng của người dân miền Tây, mà dường như hầu hết người Việt Nam nào cũng khoái khẩu món này. HOA CHUỐI Hoa chuối hay nhiều người còn gọi là bắp chuối. Nên chọn mua bắp chuối hột, là loại bắp chuối ngon nhất. Bắp chuối được chế biến thành nhiều món ăn như: trộn gỏi, nấu canh, rau sống, rau ăn lẩu và chiên làm đồ chay… Mình thích nhất là món gỏi bắp chuối. Tuỳ theo công thức của mỗi người mà có một món gỏi bắp chuối khác nhau. Bắp chuối lột bỏ phần bẹ già, còn phần non xắt mỏng, ngâm nước pha chanh hay dấm cho khỏi đen và ra bớt nhựa, vớt ra, để ráo. Sau đó, đem bắp chuối trộn chung với tôm thẻ, thịt heo luộc, hến, gà luộc xé phay hay vịt luộc chặt miếng… để thêm phần đẹp mắt và mùi vị hấp dẫn thì trộn thêm rau răm, củ hành tây xắt mỏng, đậu phộng rang giã nhỏ. Muốn muốn gỏi ngon thì quan trọng nhất là phần nước mắm. Pha nước mắm đường, chanh, tỏi, ớt sao cho vị cay, chua và ngọt hoà quyện vào nhau. Canh chua bắp chuối: Bắp chuối phần non thái mỏng, nấu canh chua me dầm với tôm, cá, lươn… Bắp chuối bào trộn với các thứ rau sống khác, rau muống chẻ để ăn chung với các món nước như: bún riêu, bún bò, lẩu các loại… Phần trắng giữa bẹ bắp chuối được dùng thế mì căn làm món chay như gà xào xả ớt, tôm lăn bột chiên. BÔNG ĐIÊN ĐIỂN Loài hoa đẹp mỹ miều này không chỉ để ngắm mà còn chế biến được vô vàn món ăn ngon và lạ. Điên điển kho cá linh, bánh xèo điên điển... Điên điển là loài hoa đặc trưng của vùng sông nước Đông Nam Bộ. Cứ mỗi mùa nước về, cũng là lúc hoa điên điển nở rộ khắp nơi. Không ngon sao được khi hoa vừa mới hái vào, con tươi nguyên, lại đẹp rực rỡ, rửa qua nước cho sạch rồi chỉ cần thêm một nồi cá kho là có được bữa cơm ngon lành. Nhưng cá, nếu muốn ngon, thì phải là cá linh, loại cá bé xíu, khi kho với nước dừa dậy lên mùi thơm phức khiến ai ăn một lần cũng phải nhớ mãi. Sẽ rất thiều xót nếu không kể đến món canh chua bông điên điển. Vẫn công thức canh chua lâu nay, cho thêm bông điên điển thì sẽ tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn và lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngọt của cá và cái thơm của bông điên điển có thể làm dịu mát đi cơ thể giữa cái nóng trưa hè oi bức. Chúng ta có thể sáng tạo thêm nhiều món ăn khác với bông điên điển. Chúng ta thử làm gỏi bông điên điển, chỉ một lần thử qua cũng đủ khiến bạn say mê với mùi vì là lạ của nó. Hấp dẫn nhất vẫn là món bánh xèo bông điên điển. Bông điên điển làm nhân thay cho giá. Mới nghe thôi mà đã thấy bụng cồn cào, vì vị ngon, ngọt, thơm, béo của bánh sẽ được hòa quyện với vị đặc trưng của bông điên điển tạo nên một vị bánh xèo lạ lẫm... nhưng ngon thôi rồi! Bông điên điển còn có thể dùng làm rau sống nhúng lẩu cá, lẩu mắm, xào tép… BÔNG LỤC BÌNH: Canh chua lục bình, bạn đã từng thử qua món lạ lẫm này chưa. Bông lục bình rửa sạch, cắt khúc vừa miếng ăn, nấu với tôm hoặc tép. Ướp tôm với ít muối ớt khoảng 15 phút.. Đường, nước cốt chanh, rau quế xắt nhuyễn, để vào một chén. Nước sôi, cho tôm vào, vớt bỏ bọt, nấu tôm trong 10 phút, cho bông lục bình vào, trộn đều, nhắc xuống. Nêm canh bằng chén nước chanh với vị chua ngọt vừa miệng Người ta dùng bông lục bình làm gỏi, chấm nước cá kho. Cọng non lục bình có thể ăn sống (luộc hoặc làm dưa) chấm nước mắm kho, cá kho, nhúng lẫu; ngó lục bình có thể xào thịt (hoặc tép). Riêng hoa lục bình xào thịt bò thì không thể nào chê được. BÔNG LẺ BẠN: Cây lẻ bạn hay còn được gọi là cây sò huyết thường được người dân trồng làm cây cảnh, ít ai biết được nó là một loại thảo dược rất quý. Hoa của nó màu trắng, dùng làm thuốc trị ho bằng cách chưng với đường phèn. Ngoài ra, bông sò huyết còn được nấu canh với xương heo ăn cho mát, bồi bổ cơ thể suy nhược. BÔNG HẸ: Bông hẹ là loại bông quen thuộc nhất với các bà nội trợ Việt Nam. Món mà các bà hay nấu nhất đó là canh bông hẹ nấu cùng đậu hủ tươi, hoặc đậu hủ non, ăn giải nhiệt. Ngoài ra, bông hẹ có thể làm thành món xào với lòng gà (tim, gan, mề), nghệ ăn để trị ho. BÔNG MƯỚP: Ngày nay, mướp không chỉ ở làng quê mà ngay ở những nhà ngôi nhà giữa chốn thành thị cũng dễ được tìm thấy. Mướp là loại dây leo, nên người ta trồng bằng dàn hoặc cho leo lên tường nhà. Cũng giống như bí ngô, có thể chế biến được các món ăn với ngọn mướp, trái mướp, nụ hoa mướp rất ngon. Hoa mướp có thể chế biến thành các món như xào tỏi hoặc xào với lòng gà. Hái các nụ hoa mướp chưa nở, sau khi rửa sạch, để ráo, phi tỏi cho thơm, bỏ nụ hoa mướp vào xào và nêm nếm. Mùi thơm tỏi phi, mướp hương hòa quyện lấy cái ngọt, cái bùi bùi của nụ hoa, đưa vào miệng, ngon đến nỗi không dám nhai. Ngoài ra, nụ hoa mướp cũng rất dễ chế biến thành các món ngon như: Hoa mướp xào tôm, thịt ba chỉ, thịt bò, tép khô... Những món luộc, rất dân dã, chấm với nước cá hay nước mắm tỏi, chanh... ăn với cơm cũng rất ngon. BÔNG KIM CHÂM: Hoa Kim Châm có rất nhiều tên gọi khác nhau: . Hoàng anh, kim trâm thảo, huyên thảo hay cỏ huyên, hoa hiên và “Vong ưu thảo” nghĩa là cỏ tiêu sầu. Người ta còn nói vui rằng khi ăn món canh kim châm này sẽ giúp bạn quên hết ưu tư phiền muộn. Kim châm thường đi cặp với nấm mèo (mộc nhĩ), phù chú (tàu hũ ki) trong các món ăn. Canh thịt heo bằm, nấu với bún tàu, kim châm, nấm mèo, không phải chỉ ngọt nước, thơm canh mà còn mát cả dạ nữa. Trong các món cá hấp, cá chưng với tương, với thịt thì không bao giờ vắng mặt kim châm, nấm mèo, bún tàu được. Món chay hầm tổng hợp gồm có: Kim châm, đậu ve, cà rốt, bí đỏ, khoai môn cao, khoai lang, đọt măng, đậu hủ miếng chiên, nấm mèo, bột khao, phù chúc. BÔNG SÚNG Hoa súng thường có máu trắng hoặc màu tím, quanh năm sống ở dưới nước. Hoa súng chỉ dùng để ngắm còn để chế biến thức ăn phải dùng đến cái thân của cây hoa súng, nhưng người ta cứ quen miệng gọi là cây hoa súng. . Bông súng muốn ăn phải tướt vỏ, xắt khúc, ngâm nước cho sạch. Bông súng dùng trộn gỏi; Ăn sống với mắm kho; Nấu canh chua với cá đồng; Bóp muối cho héo, ngâm giấm làm dưa. BÔNG SEN: Trong những loài hoa được giới thiệu trong bài này, sen là loại có thể chế biến được nhiều món ăn nhất và bỗ dưỡng nhất. Lá sen: Chúng ta thường nghe thấy món cơm lá sen, chính là dùng lá sen này để gói cơm, giữ được hương vị rất lâu. Ngoài ra, thành phần cơm lá sen bao gồm: gạo, tôm, hạt sen, cà rốt… Hương thơm của cơm chiên hòa lẫn cùng hương sen thoang thoảng khiến món cơm khi ăn thật khó quên. Lá sen non: nấu cháo trị chứng giữ nước, phù thủng Hạt sen: hạt sen dùng để nấu chè, là món chè thượng hạng, trước đây thường dùng để phục vụ cho vua chúa trong cung đình. Ngoài ra, hạt sen còn dùng làm bánh, làm mứt, tiềm vịt, tiềm gà,… Tim sen: Trà tim sen dùng trị chứng mất ngủ Ngó sen: Dùng để làm gỏi. Củ sen: Dùng có thể nấu chè, nấu canh hoặc làm mứt cho ngày Tết. Hoa sen: Vịt hấp hoa sen. Tinh túy của sen đọng lại ở hoa, dùng cánh hoa sen phủ kín vịt để hấp cách thủy. Vịt ở đây là vịt tơ vừa, được làm sạch bằng rượu, khử mùi bằng gừng, ướp gia vị cho thấm trước. Khi vịt chín, bao nhiêu hương hoa ngấm hết vào thịt. Ăn cả thịt vịt mềm, không bị béo ngậy cùng hoa thơm, ngọt. BÔNG SẦU ĐÂU Sầu đâu hay còn gọi là cây xoan. Lá của nó là một loại thức ăn được ưa thích nhất của những chú dê. Ở đây, để chế biến thành món ăn, chúng ta chỉ chọn những lá thật non hoặc bông, nếu sử dụng là già thì sẽ rất đắng và độc. Nhắc đến sầu đâu thì món ăn không thể bỏ qua, đó là “gỏi sầu đâu”. Gỏi sầu đâu tương đối dễ làm: Rửa sạch bông và lá non, có thể trụng sơ qua nước sôi. Nướng khô cá sặc rằn, khô cá lóc, xé nhỏ, bỏ vào. (Nếu không có khô thì có thể thế bằng cá lóc nướng trui xé nhỏ). Trộn thêm rau thơm, hành tây xắt mỏng, xoài băm sợi… Ăn với nước mắm me, đường, ớt. Gỏi sầu đâu có vị đắng nhưng càng ăn thì sẽ đọng lại ở cổ họng chúng ta một vị ngọt lâu tan. BÔNG SO ĐŨA: Bông so đũa cũng là một loại bông đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Nhắc đến bông so đũa là thèm ngay các món: lẩu cá kèo bông so đũa, cá linh nấu canh chua bông so đũa. Sơ chế Bông so đũa bằng cách lặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi,dầm me, thả cá linh, nêm vừa miệng, hớt bọt, cho bông so đũa vào là nhấc xuống liền, để bông còn giòn mới ngon. Trên mặt bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm một chút tỏi phi, vài lát ớt tươi. Không có cá linh, người ta nấu canh chua so đũa với tôm, tép. Bông so đũa còn dùng luộc, xào, đặc biệt là món cá lóc bọc bằng bông so đũa hấp, chấm nước mắm đồng dầm ớt. HOA THIÊN LÝ: Hoa thiên lý hay còn gọi là dạ lý hương. Thiên lý có thể nấu canh hoặc xào. Chọn những chùm hoa mới nở, ngâm nước cho hết kiến, chùm hoa to thì tách làm 2, 3 nhánh nhỏ. Với món canh, chúng ta có thể nấu với thịt bằm, giò sống nhưng ngon nhất vẫn là nấu với cua đồng. Với món xào, chúng ta xào với thịt bò, có ướp chút gừng và nước tương cho thấm. Ngày nay, người ta dùng hoa thiên lý như một loại rau sống, nhúng với lẩu các loại. HOA CÚC Hoa Cúc được mệnh danh là vị thuốc thần tiên của trời đất. Hoa cúc có thể ứng dụng rộng rãi trong việc ăn uống để chữa bệnh, như pha chế thành đồ uống, bánh điểm tâm, làm món rau luộc trong bữa ăn hàng ngày. Trong việc trang trí món ăn, hoa cúc bày ở xung quanh mép đĩa, để làm đĩa thức ăn thêm thẫm mỹ và hấp dẫn. Dùng cánh hoa làm món rau xào, nước hoa cúc đem nấu canh. Hoa cúc nấu với bột cua là một trong những món ăn nổi tiếng của Trung Quốc. Hoa bạch cúc ngâm rượu, không những màu, mùi, vị đều tốt, uống lâu dài không những sẽ bổ ích cho cơ thể, mà còn có thể giải nhiệt của rượu, có thể phối hợp dùng với cẩu khởi tử; nhưng độ rượu chỉ nên thấp thôi. Đối với người Việt Nam, nổi tiếng nhất là trà hoa cúc, thanh lọc cơ thể, trẻ hoá làn da và kéo dài tuổi thọ. HOA CẢI Hoa Cải là một trong những loại rau được sử dụng phổ biến nhất ở Ý bởi độ ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao của chúng. Hoa Cải nổi trội với nhiều loại dinh dưỡng đặc biệt hổ trợ tốt cho việc nâng cao nền tảng sức khỏe con người và hổ trợ tốt cho bà mẹ mang thai. Hoa Cải được các nhà khoa học đánh giá là một trong những loại rau quý của người muốn phòng ngừa và hổ trợ điều trị bệnh đột quỵ , bệnh tim, bệnh ung thư. Hoa cải có hai loại: Hoa Cải Xanh và Hoa Cải Trắng. Chúng được dùng để làm món xào, luộc hoặc và nấu canh. HOA HỒNG Được mệnh danh là “hoa của tình yêu”, hoa hồng từ lâu luôn được coi là món quà đầy ý nghĩa dành cho con gái. Nhưng ngoài chức năng “thay lời muốn nói” đó ra thì trong thế giới ẩm thực, hoa hồng cũng là một “bà hoàng” được rất nhiều nơi sử dụng. Ở Anh thì có sandwich hoa hồng cực kỳ nổi tiếng, sang đến Ả Rập thì hoa hồng lại xuất hiện trong món gà hầm sữa với mật ong ưa thích, bay sang Italia thì cánh hồng được hòa với nước đường có công dụng giải rượu. Chưa kể đến, hình ảnh và hương vị của hoa hồng còn xuất hiện trong rất, rất nhiều các món tráng miệng quen thuộc như kem hoa hồng, trà hoa hồng, bánh macaron hoa hồng… đâu đâu cũng có luôn. Những nghiên cứu hiện đại cũng chứng minh rằng hoa hồng giúp tăng cường lưu thông máu và quá trình trao đổi chất, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm tĩnh mạch và điều hoà kinh nguyệt, tốt cho đường ruột. Tuần hoàn máu tốt hơn đồng nghĩa với việc các mô dưới da được nuôi dưỡng tốt hơn và hồng hào hơn. HOA LÀI (hay còn gọi là hoa Nhài) Với mùi thơm đặc trưng của mình, những bông hoa nhài được rất nhiều nơi ưa chuộng. Ở Thái, vào các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ hội té nước, người dân sử dụng hoa nhài cho hầu hết các món ăn. Đặc biệt có món gạo hoa nhài và món sữa dừa trộn với hoa nhài, hạt điều. Hay ở các nước phương Tây thì người ta còn làm cả kem hoa nhài. Còn ở Việt Nam, vào dịp tết những đóa hoa nhài không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngày đầu năm mà còn giúp bạn thanh nhiệt, thư giãn khi được chế biến thành nhiều loại trà ngon. Hoặc có thể dùng hoa nhài để nấu chè hạt sen. Mùi thơm thoang thoảng của hoa nhài quyện lẫn hương vani và vị đặc biệt của hạt sen mang đến cho bạn món tráng miệng đặc sắc. HOA ATISO Các món ăn được làm từ hoa Atiso mang lại nhiều chất dinh dưỡng và lạ miệng cho các bữa ăn gia đình. Hoa atisô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Chế biến: Rửa sạch bông, chẻ dọc thành 6-8 miếng, luộc chín, nấu canh, hầm xương heo xương bò, chân giò hoặc xào với nấm. Ngoài ra, Hoa Atiso có thể chế biến được các món như salad, súp, cháo và hấp dẫn nhất đó là món Atiso rán giòn Khi dùng bông atisô chỉ nên dự trữ bằng cách bỏ vào tủ lạnh tối đa bảy ngày, khi nấu không dùng nồi bằng nhôm hay gang vì các kim loại này làm atisô mất màu, gây đắng khó ăn. Chúng ta vừa điểm qua 18 loại “hoa bếp nhà” và hàng trăm món ăn có thể được chế biến từ những loài hoa này. Những món ăn dân dã, hương đồng gió nội này vừa dễ chế biến, lại không đắt đỏ, vừa rất có lợi cho sức khoẻ. Bạn co thể xem thêm các bài khác tại đây: http://pinkskit.com/vn/index.html