- 02/06/2010 10:36 - 5401 lượt xem
- Thích | 3 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận
Trong nhiều sách sử ở Việt Nam cũng như Trung Hoa, người xưa thường đề cập đến hoạt động ẩm thực của vua chúa, trong đó luôn sử dụng 2 chữ “yến tiệc”. Vậy yến tiệc là gì, phải chăng đó chính là những bữa ăn sang trọng với nhiều “sơn hào hải vị” mà đứng đầu là các món chế biến từ tổ chim yến.
Yến sào Việt Nam – “King Nests”
Nói yến sào là “món ăn vua” là không ngoa, bởi lẽ ngoài giá cả lên đến hàng chục triệu đồng một ki-lo-gram và cũng bởi yến sào còn là một món tiệc tùng của các bậc đế vương ngày xưa. Hiện nay cũng vậy, yến sào vẫn được liệt vào danh sách các món ăn dành cho người quyền quý. Có bao nhiêu người Việt Nam được một lần trong đời nếm món súp yến - một thứ đặc sản “siêu đắt” mà chỉ người có tiền của mới được thưởng thức thường xuyên...
Yến sào Việt Nam thường được khen ngợi là thơm ngon và bổ dưỡng hơn rất nhiều loại yến sào của các nước trong khu vực. Theo những người am hiểu thì yến sào có thể cất giữ trong vòng 4 - 5 năm mà không hề bị biến chất. Khi cần ăn yến, người ta đem ngâm chúng với nước sạch trong khoảng 30 phút. Những chiếc tổ bé xíu gặp nước sẽ mềm và tơi ra thành từng sợi như sợi miến. Sau khi ngâm ta có thể gỡ tổ yến ra thành các sợi nhỏ, hoặc làm cho tơi ra. Xong việc dùng một cái nhíp nhỏ, nhặt sạch các sợi lông chim li ti nằm lẩn trong tổ yến. Kế đến là thay nước sạch, gạn lược vài lần đến khi nước ngâm tổ yến trong, không còn các mẩu côn trùng màu đen nổi trên mặt nước. Các mảnh này là côn trùng trong quá trình chim yến ăn vào không tiêu thụ được nên thải ra ngoài. Sau khi đã qua công đoạn làm sạch, yến được vớt ra một rá nhỏ cho ráo nước và chờ được chế biến.
Tiệc yến
Trong nhiều tác phẩm văn học, lịch sử cha ông ta thường đề cập đến 2 chữ “yến tiệc”. Chúng ta có thể hình dung đó là một bữa ăn sang trọng của vua chúa quan lại trong triều đình. Trong bữa ăn đó nhất thiết phải có một bát “yến sào” khai vị. Và để đơn giản thì “tiệc yến” có thể được thể hiện bằng 2 cách nấu đó là “chè yến” hoặc “xúp yến”. Tổ yến sau khi qua công đoạn làm sạch thì cho vào nồi với một lượng nước vừa phải (mỗi tổ có thể cho hơn 1 bát nước), đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó cho một lượng đường phèn vừa đủ ngọt và nấu thêm 15 phút nữa là được. Múc chè yến ra chén nhỏ, để nguội hoặc ăn nóng đều tốt. Nếu muốn ngon hơn, bạn có thể cho thêm một ít đậu xanh đãi vỏ hoặc hạt sen đã hầm nhừ. Còn “xúp yến sào” là tổ yến sau khi đã làm sạch cho vào nồi nấu sôi 30 phút. Cho thêm một ít thịt nạc bằm nhỏ, một ít tôm lột vỏ, một ít nấm hương xắt chỉ và nêm nếm gia vị ... nấu chín sau đó múc ra chén ăn nóng.
Ngoài hai món ăn trên, bào ngư hầm cùng yến sào là món ăn được ví là “bậc đế vương” trong “yến tiệc”. Ngoài được nấu từ loại thực phẩm bổ dưỡng, mắc tiền, món bào ngư hầm yến sào còn có khâu chế biến khá cầu kì.
Tết đến, Xuân về bạn có thể dành tiền mua vài lạng yến về trước để biếu ông bà, bố mẹ sau là trổ tài làm món ăn ngon ngày Xuân để gia đình thưởng thức.
Tú Ân (Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Định)