Nhớ một dư vị

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Buổi sáng đầu ngày đi bộ cùng anh, ngang qua quán lạ, thấy anh cứ dừng chân, xuýt xoa hít hà mãi về một mùi hương dân dã nhưng đậm đà riêng biệt chất miền Trung, tôi bật cười nhưng không khỏi xôn xao trong dạ… Ừ, thì đã đành cái món Bún bò Huế ấy ngon và dễ “bắt vị”, nhất là vào khi tiết trời se se lạnh như sáng hôm nay, nhưng cái tình nồng hậu và đôi lúc hơi “thiên vị” của một người chính danh miền Bắc – như anh – dành cho bún bò xứ Huế làm tôi ấm lòng nhiều lắm.

Tôi không biết khởi thủy bún bò có từ đâu, cũng không biết bún bò có cái vinh hạnh được đưa thành món Tiến Vua chưa, nhưng những người Huế gốc chuyên nấu ăn cho cả đại gia tộc như ngoại ngày xưa hay như mẹ bây giờ mỗi một lần nấu là một lần nói với con với cháu; rằng người Huế chuộng bún bò vì nó là một trong số ít món ăn hội đủ cả hai yếu tố “thập toàn” và “ngũ đắc”. Thập toàn là mười điều cần có để tạo nên một món ăn ngon: ngọt ngào, đậm đà, thơm tho, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu và khéo bày. Còn “ngũ đắc” nghĩa là ai cũng biết đến, ai cũng mua được, ai cũng ăn được và ai cũng nấu được.

Kể ra, khi theo bà theo mẹ học nấu ăn, tôi tự thấy nấu bún bò không khó như nấu chè sen long nhãn hay làm xôi vò, xôi vị nhưng nấu sao cho ra một nồi bún bò phải có vị bún bò không dễ chút nào. Thứ nhất, nó cần nhiều nguyên liệu lặt vặt, chuẩn bị công phu, cầu kỳ quá. Thứ hai, nêm nếm một nồi nước dùng cho vừa miệng cả nhà hình như không chỉ cần đủ mặn -ngọt – cay – nồng mà còn cần cả tấm lòng và sự chuyên tâm trong đó. Bởi nếu chỉ vội vàng hay lơ là, bất cẩn một chút thì nước dùng bị đục, thịt trong nồi quá ngấu, vị trong nồi không thanh. Chưa kể chuẩn bị một dĩa rau ăn kèm tô bún cũng phải điệu nghệ, từng ấy rau thơm, từng ấy bắp chuối, từng ấy húng quế nhưng chăm nom bày biện phải gọn gàng, khéo vén.

Ấy là nói vậy, tức là khi bước chân vào bếp, nấu một món ăn thì phải thật chỉn chu; hoặc khi đi ăn thì muốn tìm cho ra cái vị bún bò chứ ngày xưa có lúc nhà khó khăn, mẹ chỉ gói ghém, cân đo sao cho vừa mua được cân bún, lại có tí thịt bò với dăm búp rau non nên khi nấu đành phải thả thêm vào nồi nước dùng một viên vị thịt chứ lấy đâu ra xương ống với cả thịt thăn mà hầm dăm ba tiếng cho nồi nước vừa đậm vị, vừa thanh thao!

Đôi khi cuối tuần ngồi tỉ mẩn nấu cho cả nhà nồi bún, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh trong gian bếp nhỏ mấy mẹ con cùng xúm xít tước sả rửa rau, tao hành tao mỡ, rồi cùng ngồi ngóng chờ đến lúc nước sôi, nêm nêm, thử thử. Ôi chao, cũng ruốc cũng hành, bắp chuối, ngò gai đủ cả, chỉ mỗi tội… thiếu thịt! Vậy mà ngon, mà vui chi lạ. Nhà có 5 người là 5 tô bún khác nhau. Ba một tô to, ưu ái có miếng thịt nhiều… gân. Hai em còn nhỏ, ăn tô nhỏ hơn một chút, nhưng đứa nào cũng được miếng thịt mềm thơm phức. Mẹ với chị ăn sau cùng, tí bún, tí nước, nhiều rau. Cả nhà cứ khúc khích bảo nhau Đà Lạt mình chỉ có ăn… rau là sướng nhất! Nói thế, để rồi ai cũng nhanh tay nhường miếng thịt duy nhất trong tô của mình cho người bên cạnh. Ba gắp qua cho mẹ, mẹ lại gắp cho con. Con lại bảo răng con đau, ăn gân không được… Cứ thế, tiếng cười quyện mùi bún bò làm ấm sực những ngày mưa gió.

Bây giờ, tôi cũng được đi nhiều, nếm nhiều, và hiểu ra nhiều hơn. Có nơi chỉ đi qua, vừa kịp thấy thoáng bên đường hình như có… bún! Có nơi chỉ xuống xe nhìn quanh nghiêng ngó chừng vài ba tiếng, đủ để kêu lên cái xứ lạ hoắc lạ huơ mà cũng có “bún của mình”. Lại có nơi dừng chân chơi lấy vài hôm, dư thời gian ngồi nhẩn nha ăn thử tô bún cho biết vị bún bò Sài Thành, bún bò Bình Dương, bún bò Nha Trang, bún bò Cần Thơ có giống như là “Bún Huế ngày xưa” … nhưng xem ra chả mấy nơi còn giữ được hương vị gốc, nói chi đến cái danh “thập toàn – ngũ đắc” bà ngoại vẫn nhắc đã nấu là phải giữ gìn.

Chao ôi, để tìm ăn một bát bún ngon, đúng kiểu thì dễ, bởi giờ đây bún bò đã len lỏi khắp các nẻo đường. Ta cũng có thể tìm thấy một tô bún bò rất ngon trong nhà hàng sang trọng, cũng có thể vô tình được thưởng một tô bún đúng chất ngay trong con hẻm nhỏ xíu khuất lấp tầm nhìn. Thậm chí, ta cũng có thể được gật gù với tô bún gánh của một mạ, một o nào đó bán rong trên đường phố. Nhưng đôi khi, để bưng trên tay một tô bún “nhiều rau ít thịt” như bún mẹ nấu ngày xưa thì còn biết bao nhiêu chuyện kể ngoài lề. Hình như đứng trước một dư vị ngỡ đã thân quen thân quen mà vẫn chứa bao điều lạ lẫm đôi khi lại dễ khiến ta lẩn thẩn nghĩ về những gì xa lơ xa lắc hay bâng khuâng vì những câu chuyện giản đơn như tô bún bên đường…!

Dư vị yêu thương

Nguồn hình: Vietnamese Foody

Đăng lúc: 07:41, 27/04/2015
25 món ăn Điểm tích lũy: 72
   
Love 0