- 20/08/2012 20:51 - 2838 lượt xem
- Thích | 0 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận
Ông tổ ngành dược Việt Nam, Tuệ Tĩnh Thiền Sư có truyền lại cho đời sau một câu thấm thía: "Nam dược trị Nam nhân", để nói về mối liên hệ giữa những món ăn Việt với các vị thuốc mà chúng ta hay gọi tắt là món ngon bài thuốc.
Trong cách ăn uống, tùy vào phong thổ mỗi vùng hay thói quen hàng ngày mà dân ta đã tìm ra được những cách kết hợp giữa các loại thức ăn, hay giữa thức ăn và cây thuốc để tạo ra những món ăn có chức năng chữa bệnh, điều hòa các chức năng trong cơ thể, duy trì sức khỏe bền lâu.
Y thực đồng nguyên
Những nhà y học cổ truyền lâu năm cho rằng thức ăn có thể khiến cơ thể mát mẻ dễ chịu, đồng thời cũng có thể khiến người ta cảm thấy bứt rứt khó chịu hay bị ức chế, nặng nề. Khi xác định được tính vị của mỗi loại thức ăn thì có thể chọn được thức ăn góp phần chữa bệnh phù hợp với thể trạng mỗi người.
Cháo cá rô chữa đau mỏi lưng hiệu quả
Phong cách ăn uống truyền thống của dân tộc ta chia món ăn thành các tính nhiệt (nóng), hàn (lạnh), bình (mát), ấm (giữa nhiệt và bình). Điều này cũng trùng với cơ sở đánh giá các vị khi bốc thuốc Nam hay thuốc Bắc trong y học cổ truyền. Một món ăn được coi là ngon lành phải đạt được sự cân bằng giữa hàn, nhiệt, ôn, bình, nói chung là giữa âm và dương.
Sử dụng đúng cách các gia vị có hương vị làm dấy lên mùi thơm ngon, vừa có tác dụng kích thích dịch vị, lại trung hòa hàn nhiệt, cân bằng âm dương, làm cho người ăn không phải chịu những phản ứng phụ có hại. Nói rộng ra thì từ lâu "Y thực đồng nguyên" đã được nhiều nhà y học phương Đông phát triển như một học thuyết về phép ăn uống chữa bệnh. Học thuyết này có nhắc đến công trình nghiên cứu về thuốc từ hơn 2000 năm trước được giữ lại, trong đó khuyên dùng những loại thức ăn đồng thời là những vị thuốc có giá trị chữa bệnh cao như gừng, tỏi, muối, hạt sen, long nhãn, táo, nho... Khi nào bệnh nặng thì mới nên kết hợp giữa ăn uống và dùng thuốc, kết hợp giữa Đông y và Tây y.
Nước ta với đặc điểm của xứ nhiệt đới nên có nguồn dược liệu rất lớn từ thực vật. Trong từ điển cây thuốc của giáo sư Đỗ Tất Lợi có nhắc đến tên rất nhiều các loại rau sống, gia vị có tác dụng chữa bệnh như tía tô có tác dụng giải độc, sắn, chua me giải nhiệt; lá vông sát trùng (dùng bọc nem chua); lá lốt chữa tiêu chảy; lá mơ lông trị kiết; vả, chuối chát... những thực vật này đã có chỉ cần kết hợp với các nguyên liệu khác chế biến thành món ăn ngon để dễ hấp thụ là ta đã có rất nhiều bài thuốc quý.
Bí quyết sử dụng các gia vị, rau nêm hay các món ăn như một phương thức chữa bệnh đã được chú trọng từ rất lâu. Cho tới nay thì không ngoa khi nói rằng các lương y cho người bệnh uống thuốc còn các bà nội trợ thì cho... ăn thuốc. Mỗi ngày, trong các món ăn tưởng như đơn giản nhất đều ẩn chứa những vị thuốc giúp điều hòa giải nhiệt, phòng chống nhiều bệnh.
Cua biển được dùng chữa gẫy xương
Những món ăn Việt là sự tổng hòa của rất nhiều chất như thịt, cá, tôm, cua, các loại rau, đậu, gạo. Bên cạnh đó là các vị đặc trưng như chua cay, ngọt bùi từ rau quả tự nhiên, chứ không dùng gia vị khô hoặc đã qua chế biến.
Mỗi món có một gia vị riêng, nước chấm riêng, có thể pha với giấm, đường tỏi, ớt, sao cho phù hợp với hương vị món ăn. Ví dụ như thịt gà luộc nhất định phải có lá chanh, rồi chấm muối tiêu. Những món ăn có tính mát như ốc, thịt vịt, cá trê... thì phải ăn kèm gia vị nóng như gừng, ớt. Còn món thịt chó mang tính nóng vì riềng, mẻ, mắm tôm thì phải có lá mơ mang tính hàn. Đó là cách ăn khoa học, biết cân bằng âm dương, hàn nhiệt điều hòa của người Việt ta từ xưa. Chính cách tổng hòa nhiều chất, nhiều vị cũng là cách hóa giải những món độc, có tác dụng giống như những vị thuốc đông y.
Thật dễ dàng và tiện lợi khi hấp thụ những vị thuốc từ những món ăn ngon lành. Mỗi mùa mỗi thức, bà nội trợ có thể lên cho mình và người thân thực đơn từ những nguyên liệu sẵn có xung quanh để duy trì sức khỏe, phòng bệnh hay chữa một số căn bệnh thường gặp. Có thể nói những phương thuốc từ món ăn không phân biệt sang hèn giàu nghèo, bất cứ ai cũng có thể sử dụng.
Có bệnh chữa bệnh đã đành, không có bệnh, người ta vẫn có thể phòng bệnh hoặc bồi bổ cơ thể qua các món ăn. Món ăn vì thế, không chỉ ở ý nghĩa ăn lấy no hay ăn lấy ngon cho thỏa vị giác, mà còn mang ý nghĩa ăn để khỏe, để ngừa và chữa bệnh. Thế mới gọi là món ăn bài thuốc!
Ẩm thực, văn hóa ẩm thực việt nam, món ngon bài thuốc, ăn ngon mỗi ngày