- 04/05/2011 15:17 - 6283 lượt xem
- Thích | 0 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận

Tăng huyết áp ngày nay không chỉ gặp ở những người lớn tuổi ( trên 40 tuổi) mà còn gặp ở những người trẻ, nguyên nhân và mức độ nguy hiểm thế nào thưa bác sĩ ? Thu Huyền – Bình Dương.
Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp được đo nhiều lần có một hoặc cả hai trị số lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg (đo lúc nghỉ ngơi, không uống rượu,cà phê trước đó …). Tăng huyết áp ở người trẻ khi tuổi dưới 35, trước đây quan niệm những người dưới 40 tuổi.
Một số nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp ở người trẻ thường gặp như: bệnh lý mạch máu ở thận (hẹp động mạch thận), bệnh lý ở cơ quan nội tiết (u tủy thượng thận, u vỏ thượng thận), bệnh lý nhu mô thận (viêm vi cầu thận; suy thận mãn tính...), hẹp eo động mạch chủ... Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào tổn thương mà cao huyết áp gây ra. Nguy hiểm nhất là bệnh gây ra các biến chứng, làm tổn thương trên cơ quan đích của cơ thể như: tổn thương tim (gây phì đại cơ tim, suy tim, thiếu máu cơ tim...), tổn thương thận (làm tiểu đạm, suy thận), tổn thương não (làm tắc nghẽn mạch máu não, xuất huyết não...).
Điều trị cao huyết áp ở người trẻ : quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, để chữa trị tận gốc. Chẳng hạn, nếu nguyên nhân là do hẹp động mạch thận thì phẫu thuật đặt stent, nếu là u tủy thượng thận thì phải mổ cắt bỏ u ….. Nếu chưa tìm ra được nguyên nhân thì việc chữa trị chỉ là dùng thuốc hạ huyết áp nhằm tránh biến chứng, gây tổn hại đến các cơ quan đích nói trên.
Để tránh bệnh cao huyết áp ở người trẻ, cần có cách phòng ngừa như thế nào? Minh Hằng- Thanh Hóa.
Để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần thực hiện giảm cân nếu bị béo phì. Nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Nên ăn lạt, giảm lượng muối, không quá 2 - 4g muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm). Nên ăn thức ăn có chứa nhiều chất: kali (có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng...), can-xi (có nhiều trong sữa, tôm, cua...), ma-giê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà... Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường, hạn chế ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Bên cạnh đó cần rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 - 45 phút, dùng các loại hình như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ...
Tư vấn: Bác sĩ Bạch Mai- Trưởng khoa Y học Gia đình, Phòng khám Việt Gia TP.HCM