Nếu bạn đang lo lắng mình có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao thì nên bắt đầu xây dựng một chế độ ăn uống và sống khỏe, giúp giảm bớt nguy cơ mắc căn bệnh này.
Huyết áp cao là bệnh hiếm khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Bệnh có thể bộc phát rất đột ngột, gây đột quỵ, tai biến mạch máu não hoặc truỵ tim và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bạn bắt buộc phải đi khám mới có thể xác định rõ mình có mắc bệnh hay không? Nếu mắc bệnh, bạn cần ghi nhớ những thông tin cơ bản về cách ăn uống, nghỉ ngơi, giúp duy trì huyết áp luôn ở mức ổn định.
Huyết áp cao là gì?
Cơ thể cần được bơm áp lực từ tim để đẩy máu lưu thông khắp cơ thể nhưng nếu lực bơm này quá cao so với bình thường, chúng sẽ tạo áp lực lên động mạch gây xơ cứng. Để xác định chỉ số huyết áp, bạn nên dùng dụng cụ đo huyết áp. Đo huyết áp bao giờ cũng bao gồm hai giá trị. Chỉ số thứ nhất được gọi là huyết áp tâm thu, là áp lực khi tim co lại và máu được bơm đi quanh cơ thể. Chỉ số thứ hai, thấp hơn, gọi là huyết áp tâm trương, là áp lực đo được khi tim đang nghỉ ngơi giữa hai lần tim đập.
Số đo huyết áp của người bình thường sẽ dao động giữa 90-130 (chỉ số thứ nhất)/ 60-80 (chỉ số thứ hai). Với những người mắc bệnh cao huyết áp, số liệu sẽ dao động từ 140-190 (chỉ số 1)/ 90-100 (chỉ số 2). Chỉ cần một trong hai số đo cao hơn mức bình thường là đã thể hiện bạn đang mắc bệnh cao huyết áp.
Chế độ ăn uống, ngủ nghỉ ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Ảnh hưởng bởi cân nặng
Những người béo phì thường có nguy cơ bị huyết áp cao hơn gấp 2- 6 lần so với người bình thường. Với những người mắc bệnh cao huyết áp, việc đạt được và duy trì một trọng lượng lý tưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và chữa trị bệnh. Bạn cần có kế hoạch giảm cân (giảm từ từ theo phương pháp khoa học) để giúp giảm phần nào chỉ số huyết áp của cơ thể. Tập thể thao đều đặn với cường độ phù hợp cũng giúp cân bằng huyết áp trong máu.
Duy trì chế độ ăn giảm bớt hay nói “không” với muối
Khoa học đã chứng minh ăn nhiều muối dễ mắc bệnh cao huyết áp. Hầu hết chúng ta đều đang ăn nhiều muối hơn mức độ cho phép. Các bác sĩ khuyến cáo: bạn nên thu nạp thấp hơn 6gr muối mỗi ngày. Những thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn thường có hàm lượng muối cao (cách tính lượng muối: chỉ số sodium trên thành phần x 2.5).
Khi phát hiện mình mắc bệnh cao huyết áp, bạn buộc phải cắt giảm triệt để lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày từ việc nêm nếm khi nấu ăn đến thói quen chấm muối cùng với hoa quả. Phương án thay thế muối là sử dụng các loại gia vị, thảo mộc để tăng thêm hương vị cho món ăn. Luyện tập thói quen kiểm tra kĩ thành phần trên bao bì khi đi siêu thị để tránh tuyệt đối những món có hàm lượng sodium cao hơn bình thường.
Bổ sung nhiều trái cây và rau củ
Trái cây và rau củ chứa nhiều kali, giúp cân bằng lượng natri (muối) dư thừa trong cơ thể. Tăng thêm khẩu phần các loại trái cây như chuối, đào, rau xanh, cam, chanh trong khẩu phần ăn sẽ giúp bạn ổn định chỉ số huyết áp…
Thảo Nguyên
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.