Bệnh suy giáp thường gặp ở nữ giới và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai bởi có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai hoặc suy yếu não bộ ở trẻ sơ sinh.
Tuyến giáp nằm ở giữa cổ, sản sinh ra một loại hormone rất quan trọng đối với cơ thể. Nó điều khiển thân nhiệt bạn, duy trì cân nặng và sự trao đổi chất phù hợp cho cơ thể, điều hòa nhịp tim và quá trình sản xuất năng lượng. Chức năng tối ưu của tuyến giáp vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Khi bị suy giáp, bạn nên tránh một số loại thức ăn nhất định.
Những triệu chứng dễ nhận biết của bệnh suy giáp bao gồm: tăng cân, mệt mỏi, trầm cảm, da tóc khô, tâm trạng thay đổi thất thường, rối loạn kinh nguyệt, nhức đầu, chóng mặt, đãng trí, tay chân lạnh/nóng bừng, cảm thấy cực kỳ lạnh trong mùa Đông và quá nóng trong mùa Hè.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, những người bị bệnh suy giáp cần tránh một số loại thức ăn sau đây.
Bông cải và bắp cải. Đây là loại thực phẩm đặc biệt nên tránh đối với người bị suy giáp do thiếu i-ốt. Tuyến giáp cần có i-ốt để sản sinh ra hormone thiết yếu. Những loại rau này có thể ngăn chặn việc tiếp thu i-ốt của tuyến giáp. Vì vậy, người suy giảm tuyến giáp nên tránh ăn súp lơ, củ cải, bông cải, giá và bắp cải.
Đậu nành và hạt kê. Rất giàu hormone phytoestrogen (nội tiết tố nữ thực vật). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng estrogen (nội tiết tố nữ) cao sẽ làm giảm khả năng của tuyến giáp trong việc sản xuất ra thyroxin (một trong hai hormone chính của tuyến giáp). Nếu bạn vẫn muốn ăn đậu nành và hạt kê, tốt nhất chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ mà thôi.
Thức ăn chứa gluten. Gluten là một loại đạm có trong lúa mì, lúa mạch và các loại hạt khác. Có rất nhiều người dị ứng với gluten, với những ai bị suy giáp, gluten sẽ làm giảm hiệu quả việc hấp thụ thuốc điều trị.
Đồ béo. Các món chứa hàm lượng chất béo cao như bơ, mayonnaise và mỡ động vật là những thực phẩm bạn nên tránh vì chúng sẽ làm giảm lượng hormone sản sinh bởi tuyến giáp.
Thức ăn chế biến sẵn. Các loại thức ăn này chứa chất béo có hại cho cơ thể, làm suy giảm khả năng sản xuất thyroxin của tuyến giáp. Hãy chỉ dùng một lượng nhỏ các loại đồ chiên và đồ chế biến sẵn vì chúng làm giảm tác dụng của thuốc điều trị suy giáp.
Thức ăn chứa lưu huỳnh. Đó là ngũ cốc, hạt lanh, đậu ngự, khoai lang… Rau củ chứa lưu huỳnh được gọi là thiocynates, ngăn chặn quá trình hấp thu i-ốt (thành phần không thể thiếu giúp tuyến giáp sản xuất hormone).
Thức ăn chứa Quercetin. Thường có mặt trong hành củ, trà, bông cải, rượu đỏ, táo, nho, việt quất, quả mơ… Các thực phẩm này làm giảm khả năng hấp thụ i-ốt của tuyến giáp, ngăn chặn hoạt động của hormone tuyến giáp trong gan.
Thức ăn chứa nhiều đường nhân tạo. Suy giáp làm giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể bạn, vì thế nó trở nên khó khăn hơn cho cơ thể trong việc đốt cháy năng lượng từ lượng đường dư thừa mà bạn hấp thụ qua các loại kẹo và bánh ngọt. Hậu quả là gây tăng cân, ảnh hưởng đến hoạt động tuyến giáp.
Tránh ăn nhiều chất xơ. Ăn nhiều chất xơ, thông qua các loại thức ăn như đậu, các loại hạt nguyên cám, trái cây và rau có thể gây trở ngại cho việc hấp thu thuốc điều trị. Chỉ ăn một lượng chất xơ vừa phải, nhưng không nên kiêng hoàn toàn vì đó là chất thiết yếu cho cơ thể.
Thức uống có chứa caffeine. Caffeine có trong cà phê, nước uống tăng lực, nước giải khát… sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị vì làm giảm khả năng hấp thụ của hệ tiêu hóa. Nên tránh sử dụng cà phê vào buổi sáng. Thay vào đó nên uống thuốc với nước lọc và ăn sáng khoảng một tiếng sau đó.
Các thức ăn có canxi. Không nên uống thuốc điều trị suy giáp và uống canxi hoặc thức ăn chứa canxi cùng một lúc vì canxi làm giảm tác dụng của thuốc. Bạn có thể sử dụng thực phẩm chứa canxi sau khi uống thuốc 4 giờ đồng hồ.
Rượu bia. Rượu bia có tác hại nghiêm trọng đối với tuyến giáp, làm giảm khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp.
Hoàng Trần
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.