- 12/05/2011 13:59 - 5191 lượt xem
- Thích | 1 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận

Hằng năm, cứ mỗi khi cái nắng đầu mùa bắt đầu buông xuống mái ngói bạc phếch ngoài hiên là ngoại tôi lại lụi cụi đi làm một chum cà muối. Chẳng thế mà sau này mỗi độ hè về lòng tôi cũng nao nao nhớ đến hương vị một món ăn dân dã từng nuôi sống mình qua những năm tháng nghèo khó.
Quê tôi chủ yếu làm nghề nông, cái nghề bán mặt cho đất bán lưng cho trời ấy tuy vất vả nhưng cũng để lại trong tôi bao kỉ niệm êm đềm như một vầng cổ tích với sự yêu chiều của ngoại, quan tâm hết mực của mẹ cha cho từng miếng cơm manh áo hằng ngày. Tôi không sao quên được những món ăn ngoại đã dành cả sự yêu thương và bao dung của mình vào trong đó, chỉ mong sao con cháu của mình khi ăn cảm thấy thật ngon miệng.
Ngoại thường muối cà vào độ đầu mùa hè, khi những quả cà bát trắng to lùm lùm bằng cái nắm tay cũng bắt đầu vào thời kì hái quả. Ngoại thường không chọn cà pháo hay cà tím để muối, ngoại bảo hai thứ cà ấy chỉ có thể dùng muối xổi ăn ngay thì ngon, còn muốn để được lâu mà vẫn giữ được độ thật giòn khi ăn thì phải chọn cà bát trắng. Ngoại thường chọn mua những quả cà bát hơi già không bị sâu bệnh về rửa sạch bằng nước muối rồi phơi qua nắng nhạt cho ráo nước và héo đi một chút. Chum nước muối cà cũng được ngoại chăm chút rất kĩ lưỡng. Hòa một lượng muối vừa đủ với lượng nước trong chum sao cho đậm để bảo quản cà thật tốt trong thời gian muối, thêm một chút đường để nước mau lên men. Giã dập vài nhánh tỏi cùng với mấy lát giềng cho vào hòa cùng với nước muối đường và để sẵn một ngày trước khi muối. Cà đã được làm sạch và để ráo nước đem nén vào chum rồi lấy một vật nặng chèn lên trên sao cho cà không bị nổi lên mặt nước rồi đậy kín miệng chum lại. Muối cà bát trắng ngoại thường để nguyên quả chứ không thái lát ra như cà tím và bổ tư như cà pháo. Có lẽ cũng nhờ điểm này mà món cà muối của ngoại có phần đặc biệt hơn rất nhiều. Công đoạn cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất, đó là không cho mấy anh em tôi vì háo hức mà thi thoảng lại lén ngoại mở chum ra xem cà đã ăn được chưa. Ngoại bảo trong một tháng đầu chỉ nên mở chum ra hai lần để đảo cà lên cho đều và kiểm tra xem có quả nào bị nổi hay không, còn nếu mở ra nhiều cà sẽ dễ bị hỏng và lâu ăn được.
Thường thường thì khoảng hai tháng sau khi muối là cả nhà tôi đã có cà ăn. Tôi rất thích thú khi được nhìn ngoại mở dần mấy lớp túi bóng đậy ở miệng chum, một thứ mùi nồng nồng tỏa ra, sau đó nhấc viên đá to kềnh ra khỏi chum là những quả cà bát cũng bắt đầu nổi lên sau một lớp váng mỏng. Ngoại lấy cái muôi gỗ vớt ra từng quả cà sau hai tháng vẫn giữ được màu trắng đục nhưng vỏ quả có phần nhăn nheo do bị chèn dưới với tảng đá nặng.
Cà mới vớt ra rửa sạch váng bằng nước đun sôi để nguội, sau đó thái lát mỏng. Cà muối lâu ngày có vị chua gắt khi nêm bột ngọt và một chút lá chanh thái chỉ tạo ra hương vị rất lạ miệng. Cà muối có thể ăn với cơm chan nước luộc rau muống, canh rau ngót, canh rau đay đều rất ngon. Vị cà chua thanh ăn lẫn với canh rau ngọt mát, là sự kết hợp dân dã mà hợp khẩu vị với biết bao người dân quê ngày ấy. Cắn miếng cà giòn tan trong miệng, bao nhiêu cái nóng của mùa hè cũng bay đi đâu hết. Để bây giờ, lại thèm lắm miếng cà bát muối trong chum của ngoại.
Địa chỉ: Phạm Thị Nhung
Lớp Viết Văn K11, ĐH Văn Hóa HN
418 La Thành, Hà Nội.