- 27/04/2011 18:24 - 3944 lượt xem
- Thích | 1 yêu thích
- Chia sẻ
- 2 bình luận
Ai cũng biết mỗi đất nước đều có một nền văn hoá ẩm thực riêng biệt làm nên đặc trưng của đất nước đó. Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng miền biển nên tôi rất quen với các món ăn được chế biển từ hải sản như tôm, cua, cá. Tôi quen với những bữa ăn có các loại rau xanh như rau muống luộc, rau cải xào, mùng tơi, rau đay…Khi nói đến hai từ „hải sản“ có lẽ các bạn sẽ liên tưởng đến các món ăn đặc sản đắt tiền như tu hài, tôm hùm, bạch tuộc…nhưng không phải, hải sản ở đây tôi muốn nói đến là các món như cá duội khô, tôm khô, cá mòi, cá nục, những thứ rẻ tiền ấy đã đi cùng tôi suốt 23 năm đầu của cuộc đời và nuôi tôi lớn lên. Tôi đã từng rất ghét chúng, ghét những cái món khô như củi mà ngày nào tôi cũng phải ăn dù không muốn. Lúc ấy, tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày tôi nhớ chúng đến phát khóc.
Tôi nhớ có lần bố tôi bảo, cho dù ăn hay không ăn nhưng trong bữa cơm bao giờ cũng phải có một bát nước mắm và một bát canh rau. Cho dù chỉ để nhìn thôi cũng cảm thấy dễ nuốt hơn. Bây giờ, không kể ở bất cứ đất nước nào thì Pizza, fastfood cũng tràn ngập, nhưng có lẽ người Việt Nam sẽ không bao giờ quên những món ăn dân dã ấy.
Khi tôi đặt chân đến Đức, tháng đầu tiên tôi chỉ ăn toàn thịt lợn, thịt lợn được làm dưới mọi hình thức, chủ yếu là các loại xúc xích. Tôi đói, đói lắm, mỗi lần đói là một lần nhớ nhà. Nhớ đến cồn cào đậu phụ chấm mắm tôm, nhớ canh rau đay mùng tơi cà pháo, nhớ món trứng mặn, cá khô. Sau một tuần chỉ bánh mì, trứng, sữa tôi bị tào tháo đuổi gần chết. Nấu bát cháo trắng đập thêm quả trứng tôi vừa ăn vừa nghe Mỹ Linh hát bài „Em còn nhớ hay em đã quên“ và khóc.
Sau đó tôi đi học và làm quen được với một vài người Việt, học chỉ cho tôi một quán châu Á. Chỉ sau hai tháng xa nhà mà khi tôi cầm được bó rau muống và chai nước mắm trên tay tôi đã bật khóc. Thành phố tôi ở là một thành phố rất nhỏ lại ít người Việt, không như ở Hamburg hay Rostock. Cả thành phố chỉ có duy nhất một cửa hàng châu Á bé tí tẹo, rau cỏ được họ nhập từ Hà Lan sang. Phải mất khoảng nửa tiếng đi xe buýt và hai lần chuyển xe mới đến nơi. Đồ ở đây rất đắt vì họ không có đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như một bó rau muống gồm khoảng 20 đến 25 cọng giá trên 3 Euro, một bánh đậu phụ cũng trên 2 Euro, giá gạo thì cao ngất ngưởng.
Tôi cũng giống như bao người xa xứ đang sống trên một đất nước không cùng văn hoá nên bao giờ cũng phải mất một thời gian để làm quen với văn hoá và thổ địa nơi đây. Sau thời gian làm quen tôi cũng đã bắt đầu học được cách tự làm nhiều thứ. Các cụ có câu „đói thì đầu gối phải bò“, thứ nhất vì tiếc tiền, thứ hai vì lý do sức khoẻ nên tôi tự tìm tòi làm lấy mọi thứ. Tôi tự gói giò, tự gói bánh chưng, tự muối trứng nói chung tự làm những gì mà mình có thể làm được. Lúc đầu còn chưa thành thạo lắm, sản phẩm cho ra chưa được đẹp đẽ nhưng đối với tôi đó cũng là thành công bước đầu.
Tôi rất hay nấu đồ ăn Việt ở nhà. Còn nhớ, lần đầu tiên tôi nấu món thịt rang nước mắm, mình thì hít hà thưởng thức mùi mắm còn khi chồng về đến nhà thì ôi thôi, chồng nín thở bịt mũi, mở toang hết cửa sổ cửa chính cho mùi mắm bay ra. Nhà nào hai vợ chồng cùng là người Việt thì dễ thông cảm cho nhau hơn và cùng chung „văn hoá“ nên vụ ăn uống cũng dễ dàng hơn. Tôi hiểu lắm những người vợ sống cùng những ông chồng „mũi lõ“, có ông ăn bất kể những thứ gì vợ nấu, có ông thì tế nhị quay đi, có ông thì chê bai thẳng thừng :„Em nấu cái gì mà bốc mùi kinh thế?“ Những bà vợ Việt Nam sẽ không ít hơn một lần tự ái vì bị đụng chạm đến „văn hoá ẩm thực“. Nhưng rồi tất cả cũng sẽ qua và cũng sẽ quen. Cũng như ban đầu tôi không thể ngửi nổi mùi pho mát nhưng bây giờ có thể ăn một cách ngon lành.
Tại ngôi nhà mới tôi không cho xây bếp liền với phòng khách mà cho xây bếp và phòng khách riêng biệt và có cửa sổ rộng để khi nấu ăn mùi không xông vào bếp và có thể mở cửa sổ cho mùi bay ra. Tôi vẫn nấu những món món ăn Việt Nam nhưng tránh không dùng những thứ có mùi quá nặng. Hàng ngày, bên cạnh các món Âu, tôi vẫn nấu các món ăn Việt Nam như bún, phở, nem…những thứ này rất quen thuộc với gia đình.
Kể cả con cái tôi chúng cũng không ăn tất cả những gì tôi nấu, và tôi cũng không ép chúng bởi vì chúng được sinh ra tại nơi mà người ta ăn khoai tây và bánh mì nhiều hơn ăn cơm. Người Đức quen với tập tục ăn bằng thìa dĩa, và khẩu phần ăn chia ra từng phần, mỗi người một đĩa. Còn người Việt ăn bằng đũa, chung bát canh, chung đĩa thịt, chung nồi cơm, và chấm chung…bát nước mắm. Thầy giáo dạy môn Văn hoá ẩm thực của tôi tại trường Du lịch dã từng nói rằng khi hai con người cùng nhau chấm chung một bát nước mắm có nghĩa là tình yêu đã bắt đầu.
Cho đến bây giờ chồng tôi vẫn chưa ăn được nước mắm nhưng rất chăm mua nước mắm cho vợ vì tình yêu bắt đầu từ…chai nước mắm mà ;).
Phan Hà Anh, ngày 27.4.2011.

camtu
14:54 28/04/2011Gia đình chị hạnh phúc quá
daikenhocon
14:34 19/07/2011chồng mình không chê món gì của việt nam cả,trừ món tiết canh và thịt chó.Ăn bún đậu phụ mà không có mắm tôm là anh nói không ngon,nhưng ở với bố mẹ chồng nên không dám mua về ăn vì các cụ không thích và sợ mùi gia vị của vn.