- 08/05/2014 16:44 - 3446 lượt xem
- Thích | 0 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hay việc học tập, hoạt động vui chơi là một sự bổ sung quan trọng giúp bé phát triển cân bằng. Qua những trò chơi đầy hào hứng, từng giác quan và kỹ năng của bé sẽ trở nên sắc bén, nhanh nhạy hơn. Tùy theo từng lứa tuổi, mẹ có thể lựa chọn trò chơi thích hợp và tham gia vào những hoạt động sảng khoái này để làm bạn cùng con
Dưới đây là 5 gợi ý trò chơi phát triển kỹ năng mà mẹ có thể thực hiện cùng bé trong vườn nhà, công viên hay những khu vui chơi hay ngay cả trong nhà.
Vẽ thiệp từ kem
Sự sống động của sắc màu sẽ ngay lập tức kéo bé vào cuộc chơi. Độ tuổi thích hợp là từ 3 đến 5 tuổi.
Chuẩn bị: Kem cạo râu, phẩm màu, một chiếc muỗng cà phê, giấy trắng.
Cách chơi: Đầu tiên, mẹ trải tấm giấy ra bàn và trát kem cạo râu lên bề mặt rồi nhỏ phẩm màu tùy ý lên trên. Tiếp đến, dùng muỗng cà phê khuấy nhẹ lớp kem để phẩm màu trộn lẫn cùng nhau. Cuối cùng, nhẹ nhàng áp một tờ giấy trắng lên bề mặt để tạo nên một tấm thiệp thủ công thật rực rỡ.
Bạn có thể làm mẫu lần đầu tiên và sau đó trải ra 2 mảnh giấy để mẹ con cùng làm xem ai sẽ nhanh hơn và có mẫu thiệp độc đáo hơn. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý chọn loại màu thực phẩm để đảm bảo an toàn cho bé.
Thông qua trò chơi, mẹ có thể giúp bé phân biệt các màu sắc khác nhau, hướng dẫn cách nhận diện các hình thù được tạo ra từ các vết màu. Trò chơi đơn giản này còn giúp bé phát huy sức sáng tạo bằng việc tự pha trộn màu sắc và khuấy trộn để tạo ra mẫu hoa văn theo trí tưởng tượng của riêng mình.
Đá viên sủi bọt
Trò chơi này có thể tiến hành trong gian bếp hoặc ngay trước sân nhà. Độ tuổi thích hợp là từ 4 đến 6 tuổi.
Chuẩn bị:Bột nổi, giấm, nước, bột rau câu, một chiếc tô lớn và khay làm đá.
Cách chơi: Để bắt đầu, mẹ đổ các nguyên liệu bột nổi, giấm, nước và cả bột rau câu vào tô, khuấy đều hỗn hợp đến khi đặc lại, sau đó đổ vào khay làm đá và cất vào tủ lạnh. Đợi vài giờ và lấy những “viên đá” đã đông cứng vào một khay lớn.
Tiếp đến, mẹ và bé chuẩn bị thêm một tô giấm và dụng cụ nhỏ giọt. Bây giờ, mẹ và bé hãy cùng nhỏ giấm lên đá viên và xem chúng sủi bọt như thế nào nhé.
Điều đặc biệt của trò chơi này là các nguyên liệu của nó đều được lấy từ nhà bếp và an toàn cho bé. Bạn có thể chỉ cho con cách phân biệt đâu là giấm, đâu là nước, nói về cách dùng bột nổi, bột rau câu để bé rèn khả năng quan sát và ghi nhớ. Trò chơi này sẽ đòi hỏi một khoảng thời gian chờ đợi để được xem kết quả cuối cùng, nên bé sẽ còn được tập đức tính kiên nhẫn.
Tạt lon
Bé có thể chơi trò chơi đông vui này cùng bạn bè trong sân nhà hay công viên. Tất nhiên, mẹ hoàn toàn có thể tham gia hay đứng cổ vũ cho các bé. Độ tuổi thích hợp là 6 đến 12 tuổi.
Chuẩn bị:Lon thiếc, một chiếc dép cũ, phấn viết.
Cách chơi: Chiếc lon được đặt trong một vòng tròn vẽ bằng phấn. Cách đó khoảng 5 bước chân, bạn kẻ một vạch ngang. Vạch là nơi xuất phát của người tạt lon. Người giữ lon sẽ đứng ở phía vòng tròn.
Trò chơi này cần một người tạt lon và một người giữ lon. Thông thường, các bé sẽ đứng tại vạch và cùng ném dép về phía lon, người nào ném trúng lon hay ném gần nhất sẽ là người tạt lon đầu tiên, người nào ném dép xa lon nhất là người phải giữ lon.
Bắt đầu! Bé đứng tại vạch sẽ ném dép về phía lon sao cho chiếc lon văng ra khỏi vòng tròn. Bé giữ lon phải trả lon về vị trí cũ và tăng tốc đuổi theo và chạm được bé tạt lon trước khi bạn mình kịp chạy về vạch. Nếu tạt không trúng hoặc bị chạm trúng, bé sẽ bị thay vị trí của người giữ lon.
Sau một thời gian, cả nhóm có thể tăng độ khó bằng cách kẻ vạch xa hơn.
Để tạt chính xác, bé cần phải tập trung tâm trí, quan sát kỹ mục tiêu và kết hợp lực tay, tư thế đứng phù hợp. Đối với vị trí giữ lon, bé cần phải chạy nhanh, quan sát tốt và nhanh trí để kịp đuổi bắt người tạt lon. Ngoài ra, vận động nhiều còn giúp bé ăn ngon, ngủ ngon hơn.
“Làm bánh” với cát
Nếu gần nhà có bãi cát hoặc cả nhà đang đi biển cùng nhau, đây sẽ là một trò chơi lý tưởng. Độ tuổi thích hợp: Từ 4 đến 7 tuổi.
Chuẩn bị:Khuôn làm bánh, chiếc tô lớn, nước, bùn, dao và nĩa.
Cách chơi: Trộn đều bùn với nước trong tô lớn cho đến khi đặc sệt, sau đó đổ hỗn hợp vào trong khuôn làm bánh. Đợi “bánh” khô trong vòng 15 phút. Sau đó, mẹ có thể dùng dao nhẹ nhàng xắn vào 4 góc để tách “bánh” khỏi khuôn rồi cùng tìm những vật trang trí như hoa, lá, cỏ, sỏi, vỏ ốc…
Trò chơi này tăng cường trí tưởng tượng và sáng tạo của bé khi tạo ra những mẫu bánh khác nhau từ cùng một loại nguyên liệu và biến đổi trong cách trang trí. Mẹ có thể để bé đóng vai bếp trưởng và tự giới thiệu về mẫu bánh, cách làm bánh, qua đó giúp bé luyện kỹ năng trình bày.
Cầu vồng bằng sáp
Bằng bút sáp, băng keo và giấy, mẹ và bé tạo nên một chiếc cầu vồng thật rực rỡ. Độ tuổi thích hợp: 5 – 6 tuổi.
Cách chơi: Dán những cây bút sáp đủ màu vào giấy hoặc tấm bảng vẽ bằng băng keo. Để tấm bảng ngoài nắng và cùng quan sát bút sáp tan chảy, tạo ra những vạt màu lấp lánh như cầu vồng. Một lựa chọn khác, bé có thể dùng máy sấy tóc để hơ nóng cho sáp mau chảy.
Với trò chơi này, mẹ có thể chỉ cho bé về cầu vồng, một hiện tượng tự nhiên kỳ thú, đồng thời phân biệt các màu sắc khác nhau, tập tính kiên nhẫn chờ đợi.
Chơi cùng con là một trong những điều tốt đẹp nhất mà các mẹ có thể dành cho bé. Khoảng thời gian vui chơi không chỉ mang đến những hiểu biết thú vị hay củng cố kỹ năng mà còn giúp bé cảm nhận được sự quan tâm, hạnh phúc và an toàn khi luôn có người thân bên cạnh.
Nếu mẹ vẫn còn đang bối rối chưa biết chọn trò chơi nào để chơi với con và giúp con phát triển toàn diện, thử tìm hiểu Kho tàng trò chơi của OMO tại: www.facebook.com/OMOVietnam hoặc
www.omovietnam.com/tha-ho-lam-ban nhé.
Nguồn: OMO