đám cưới, ảnh cưới, áo cưới trang trí nhà, gia đình, sức khỏe, làm đẹp nuôi dạy, chăm sóc con yêu, trẻ

Search form

Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên

Bếp gia đình

bepgiadinh
Đầu bếp: bepgiadinh

Vua đầu bếp

Trở thành fan của BGĐ trên Facebook tại www.facebook.com/bepgiadinh ♥

bepgiadinh đã gửi 53 công thức món ăn & 178 bài blog

bạn đã thêm 3 công thức món ăn vào sổ tay

Đừng chỉ nghe “thứ ba” mà đã vội nghĩ tới nem hay chả. Đây là một nhân vật rất quan trọng, dù suốt ngày chỉ luôn sẵn sàng khóc oe oe.

Có bầu rất khác nuôi con nít

Tâm lý chung của những phụ nữ mang thai lần đầu là luôn nghĩ về cái bầu như một sự vĩ đại. Họ tíu tít lo cho đứa con đang lớn dần lên trong bụng. Nào nựng nịu, hát ru, cho nghe nhạc cổ điển cho con thông minh. Và tất nhiên, là họ luôn tăng cường tẩm bổ đến phát ngán. Tất cả vì con em chúng ta.

Nhiều cặp vợ chồng còn bê về nhà hàng tấn sách báo, dĩa và vô số lời khuyên vàng ngọc tải trên mạng. Sau quá trình nghiên cứu say mê, quá trời người chắc mẻm nghĩ rằng mình đã đạt tới trình độ thiên tài về khoa chăm sóc con nít sơ sinh.

Những chuyện đó cũng thường thôi. Con nít luôn luôn là điều quan trọng nhất trong cuộc đời những ai làm cha mẹ. Chuẩn bị cho con nít chào đời luôn là điều vừa hồi hộp, vừa vui sướng, vừa có cả chút gì đó tự đắc về mình nữa. Phen này đẻ ra, con mình cứ gọi là cho con thiên hạ ngửi khói.

Có bao nhiêu bức tranh đẹp được vẽ bằng tưởng tượng của bà bầu (đàn ông thường thực tế hơn về khoản này). Những năm đẹp trong số 12 con giáp như Hợi, Thìn…, tranh đẹp càng nhiều. Các bà bầu lịck kịch ôm bụng bầu, và nghĩ rằng với chín tháng mười ngày mang vác, mình đã làm được một hành trình đáng vinh danh trong sử sách!

Nhưng chỉ cần một tuần sau khi con nít ra đời, những lúc mệt mắt mở không ra, bà mẹ trẻ mới nghiệm ra chân lý ngay dưới chân mình: so với chuyện nuôi con, hồi có bầu là quá sướng.   

Con nít là một vũ trụ lạ lùng

Ví con nít là một vũ trụ cũng chẳng có gì quá lời. Bởi trong những tuần đầu tiên, bé hút hết tâm can, trí tuệ và cả sức khỏe của cha mẹ vào mình. Cha mẹ sẽ quay mòng mòng quanh bé. Và trong những giờ khắc nối đuôi nhau không phân định rõ ngày và đêm ấy, bạn sẽ thấy rằng rất nhiều lời khuyên vàng ngọc của người khác lại chẳng có giá trị gì. Lý do dễ hiểu là không có đứa trẻ nào giống đứa nào cả. Lời khuyên chung chung thì luôn đúng, chỉ rối sự là khi áp dụng vào tình hình “cụ tỉ” (cụ thể, tỉ mỉ).

Bạn là người thường hô hào cho phép tắc vệ sinh? Thế giới sẽ đổi thay, chỉ cần vài lần bị nhóc biến người đang bế mình thành… toa let. Bạn thích yên tĩnh để dệt mộng đẹp? Mộng ấy sẽ tan biến chỉ sau một tràng khóc ré. Chỉ giải mã được ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh, bạn cũng sẽ mất nhiều tuần lễ.

Trẻ đói, lạnh, ướt, ngứa, sợ hay vì bất kỳ lý do nào, hắn đều khóc cả. Cũng phải thôi. Con người ta còn bé tí, răng cỏ chưa mọc, chỉ đặt đâu nằm đó, không khóc thì biết lấy gì để góp mặt với đời? Nhiều khi khóc vì bực mình, hay vì đói, được bế dỗ, cho ăn, hắn lại khóc to hơn. Khóc vì tủi thân đấy mà, sao mình khóc miết mà không ai quan tâm (dù rằng cái miết ấy mới chừng nửa phút)!

Tóm lại là con nít sơ sinh sẽ làm biến đổi bạn rất nhanh. Nhiều lúc mệt đừ, có bà mẹ còn thầm nghĩ: có cách nào để hắn chui vào bụng lại, nằm yên cho mình khò một giấc thỏa thuê? Có cách gì cho bây giờ con đã… hai tuổi cho khỏe? Và rốt cục, trở lại với thực tế, lắm lúc dù không theo tôn giáo nào, bạn cũng sẵn sàng cầu hết Chúa, Phật cùng mọi thánh thần cho con mình hết sốt mọc răng.

Với trẻ sơ sinh, những thứ bệnh thông thường nhất sẽ rơi vào hai “miền” là hô hấp và tiêu hóa. Do còn mong manh, trẻ thường dễ mắc các chứng viêm đường hô hấp, viêm họng… Còn về tiêu hóa, là trớ, ói, ăn không tiêu, trướng bụng… Những trẻ phải nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài còn hay bị nạn… bế tắc đầu ra!

Chuyện này có thật: hai vợ chồng mới có con vội vã ăn cơm. Đang ăn, con lại ị. Vội vàng cho con ị xong, vợ bảo dọn, chồng bảo: “Thôi, cứ lấy tờ báo úp, ăn xong rồi tính”.

Những chuyện đó không có trong sách vở. Khi con lớn lên mỗi ngày, cha mẹ cũng lớn theo. Nên sẵn sang thích ứng với mọi chuyện bất ngờ. Kinh nghiệm cho thấy, càng chuẩn bị cho chuyện đón “người thứ ba” theo kiểu sách vở hàn lâm, càng dễ stress. Đơn giản thôi: con nít chẳng bao giờ được ra đời từ sách…

BÀI: HEOMAY

MINH HỌA: HỒNG NGUYÊN

Theo Tạp chí Bếp Gia Đình số 18. Ngày 30.8.2012

 

Lần đầu ghé Bếp?

Đăng ký thành viên ngay hôm nay để chia sẻ món ăn và xuất hiện trên tạp chí BGĐ Close
Tìm hiểu và đặt báo ngay hôm nay Đóng