- 27/09/2013 14:58 - 52 lượt xem
- Thích | 0 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận
Trong cách nấu nướng của một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, lá chanh được sử dụng như là một loại gia vị giúp tăng hương vị cho món ăn. Ở Việt Nam, lá chanh là thành phần không thể thiếu để ăn kèm với món thịt gà luộc, mang lại cho món ăn mùi thơm khá đặc biệt.
Gia vị “thân thiện” với nhiều món ngon
Đối với các món súp và cà ri, bạn có thể cho lá chanh vào món ăn trong lúc đang đun sôi. Chú ý cho nguyên lá chứ không thái nhỏ vì trước khi dọn món, lá chanh sẽ được lấy ra khỏi món ăn. Nếu thái nhỏ, bạn sẽ rất khó lọc lấy hết lá chanh có trong món ăn. Lá chanh tươi thường được dùng cho món súp và cà ri. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng lá chanh khô để thay thế nếu không kiếm được lá tươi. Lá khô ít thơm nên bạn phải tăng lượng lá lên gấp đôi so với dùng lá tươi. Để có thể lấy lá chanh ra sau khi nấu xong món ăn, hãy cho lá vào miếng vải và buộc chặt trước khi bỏ vào nồi súp hoặc cà ri.
Món rau trộn sẽ ngon hơn với những lá chanh tươi, non và mềm. Lá chanh khô không dùng cho món rau trộn. Hương vị cay thơm của lá chanh rất thích hợp để chế biến nước sốt cho thịt gà, cừu, bò và cá. Hãy trộn lẫn một ít lá chanh đã thái nhuyễn với các thành phần của nước sốt và ướp vào thức ăn trong vài giờ trước khi nấu.
Bạn chỉ cần rắc một ít lá chanh tươi thái nhỏ vào các món chiên. Đảm bảo món ăn của bạn sẽ có mùi thơm đặc biệt.
Lá chanh sẽ giúp món chả cá của bạn có hương vị thơm ngon khá lạ miệng. Đây cũng là cách chế biến chả cá theo kiểu Thái Lan. Lá chanh sau khi được thái thật nhỏ sẽ được trộn cùng với các nguyên liệu khác của món chả cá và được hấp hoặc chiên theo ý thích.
Mùi thơm của lá chanh chính là sự lựa chọn phù hợp nhất đối với món thịt bò nướng xiên. Lá chanh được để nguyên, không thái nhỏ và chần sơ trước khi được xiên cùng với thịt bò. Món ăn này được dọn cùng với cơm hoặc mì, bún.
Vị thuốc vườn nhà
Nếu bị cảm sốt không ra mồ hôi, sắc lá chanh lấy nước uống và xông. Lá chanh giã nát, hấp nóng, đắp vào rốn là cách giúp trẻ bớt chướng bụng.
Chanh là loài cây được trồng phổ biến ở Việt Nam, với các loại như chanh thường, chanh cốm và chanh đào. Đây là loại cây có nhiều tinh dầu thơm nên quả, hạt, rễ, lá đều có thể dùng để làm thuốc.
Trong dân gian, người ta còn dùng lá chanh để chữa trị một số bệnh thông thường như: chữa cảm sốt, chữa đầy bụng ở trẻ em, chữa bệnh hen phế quản và bệnh sốt rét dai dẳng...
- Chữa cảm sốt không ra mồ hôi: Lá chanh 60-80g sắc cho người bệnh uống và xông hơi cho ra mồ hôi.
- Chữa trẻ nhỏ đầy bụng, bí tiểu: Dùng lá chanh giã nát, hấp nóng, đắp vào rốn, trẻ sẽ bớt chướng bụng và đái thông.
- Chữa sốt rét dai dẳng: Lá chanh 100g, rượu 25o - 30o 100ml, lấy lá chanh thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm rồi đem phơi sương một đêm, ngày uống một lần vào buổi sáng, uống từ 3-5 ngày, mỗi lần uống 15-20ml.
- Chữa hen phế quản: Lá chanh 1 nắm, dây tơ hồng một nắm, đem sao vàng, cho ba bát nước, sắc lấy một bát, ngày uống 2-3 lần, uống từ 7-10 ngày.
- Chữa răng lung lay: Lá chanh tươi 40g, đun cách thủy lấy nước ngậm, ngày ngậm từ 2-3 lần, mỗi lần ngậm từ 5-10 phút, dùng từ 3-5 ngày.
Box: Bí quyết khi sử dụng lá chanh
Lá chanh để lâu sẽ có vị đắng hơn bình thường, do đó, nếu thích mùi vị dịu nhẹ, bạn hãy tước bỏ phần gân lá trước khi cho lá chanh vào nấu cùng món ăn. Chỉ sử dụng phần lá, bỏ hẳn phần cọng gắn liền với lá vì chúng sẽ làm món ăn bị đắng.