Đến tận bây giờ, cái cảm giác ngon của ly đậu hũ đá ngày ấy vẫn theo tôi suốt cuộc đời, nó theo tôi mang cả nguyên vẹn cái cảm giác ngon tuyệt cùng cái không khí lạnh ngày ấy với năm đứa trẻ có những nụ cười hồn nhiên và những câu nhận xét vô tư
Mỗi độ gió đông về, tôi lại thèm ly tàu hũ đá. Món ăn lạnh ăn trong mùa đông giá rét nó lại có cái ngon khác, bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh từ cả ngoài lẫn trong.
Nhớ mùa đông năm ấy, bọn tôi chỉ là đám học sinh lớp 11. Ở Sài Gòn, đến mùa đông, trời chỉ se se lạnh, nhưng bọn tôi lại thích cái kiểu lạnh như thế, cứ tối đến lại kiếm cớ để được ra đường, chạy lòng vòng rồi lại kiếm một món gì đó để ăn. Hôm ấy, bọn tôi lại nổi hứng quyết định hôm nay không ăn đồ nóng, mà phải ăn đồ lạnh, thế là cả bọn kéo nhau chạy lòng vòng, cuối cùng “hạ cánh” tại quán tàu hũ đá, nồi tàu hũ nóng hổi thơm lừng mùi lá dứa, ập ngay vào mũi bọn tôi.
Tôi thoáng nhìn qua các bàn bên cạnh, ai cũng xì xụp với chén đậu hũ nóng cùng nước đường gừng chan tí nước cốt dừa, tôi vẫn nhớ từng gương mặt thích thú của thực khách ngày hôm đó, cảm giác chén tàu hũ nóng đã làm ấm lòng mọi người giữa trời đông giá rét. Cả bọn chúng tôi nhất trí phải ăn tàu hũ lạnh để coi cảm giác ra sao. Năm ly tàu hũ đá được mang ra với ánh mắt ngạc nhiên của các thực khách bàn bên cạnh, có lẽ họ nghĩ bọn trẻ con thích chơi ngông. Cái cảm giác đầu tiên khi đặt tay vào ly tàu hũ đá là lạnh buốt, buốt từ trong ra ngoài. Mấy cái miệng bắt đầu chí chóe ồn ào lên “ôi lạnh quá!”, nhưng điều bất ngờ ngay tức thì xảy ra, miếng tàu hũ béo ngậy thơm lừng mùi lá dứa hòa quyện cùng nước cốt dừa, cùng cái lành lạnh của nước đá, bao nhiêu tinh hoa của món ăn được đặt hết lên đầu lưỡi của bọn tôi. Bọn chúng tôi vùa ăn vừa xuýt xoa “ôi ngon quá!”, “ngon đến tuyệt vời!”.
Sau những cái xuýt xoa khen ngon là những lời tranh luận về việc người ta đã bỏ những nguyên liệu gì vào món này. Ly đậu hũ đá chỉ đơn giản gồm đậu hũ được làm từ đậu nành. Đậu nành ngâm khoảng 10 giờ cho mềm, sau đó xay nhuyễn cùng với lượng nước nhất định. Sau khi xay xong phải được lược sạch vài lần để ra được một lượng sữa đậu nành béo ngậy. Sữa được nấu chín trên bếp, người nấu phải ngồi quậy đều tay để tránh bị khét sữa. Để hỗn hợp sữa được hoàn thành, người nấu phải pha trộn vào sữa một lượng bột gạo nhất định để có được nồi đậu hũ béo ngậy. Cuối cùng là đổ sữa đã nấu chín vào nồi khác đã được tráng sẵn bằng một lớp bột thạch cao phi, đậy kín, để yên một chỗ vài giờ cho đông đặc. Muốn có một ly đậu hũ đá ngon phải được kết hợp cùng nước cốt dừa thật béo ngậy và đường cát trắng, cùng vài viên đá đập nhuyễn. Một ly đậu hũ đá chỉ vài đồng, nhưng người bán cũng phải bỏ hết cả tấm lòng của họ vào món ăn họ làm nên. Bọn chúng tôi trai có, gái có cùng nhau quây quần bên ly tàu hũ đá, mỗi đứa một câu, có đứa nói sau này mỗi khi trời đông đến sẽ… gánh một gánh tàu hũ đi bán.
Đến tận bây giờ, cái cảm giác ngon của ly đậu hũ đá ngày ấy vẫn theo tôi suốt cuộc đời, nó theo tôi mang cả nguyên vẹn cái cảm giác ngon tuyệt cùng cái không khí lạnh ngày ấy với năm đứa trẻ có những nụ cười hồn nhiên và những câu nhận xét vô tư. Bây giờ, dù đã bước gần đến tuổi bốn mươi, nhưng nếu có dịp nhắc lại, bọn tôi vẫn không thể nào quên được ly đậu hũ đá ngày xưa trong khí hậu lạnh giá lúc giao mùa ở đất Sài Gòn.
ThienNaBep
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.