Yêu thích sự pha trộn

Gần gũi, cởi mở và vui tính, bếp trưởng Jean Baptiste Natali – khách mời đặc biệt của khách sạn Caravelle, TP.HCM – đã dành cho BGĐ một cuộc trò chuyện ngắn.
Bắt đầu học nghề từ năm 1986, và đứng bếp từ năm 1990, hiện Jean-Baptiste là bếp trưởng của nhà hàng Hostellerie La Montagne tại Pháp của chính anh. Nghề bếp chính là nghề truyền thống của gia đình, khi ông nội và cha anh cũng là những đầu bếp có tiếng tại Pháp.
Tháng 2/2002, ở tuổi 28 anh và nhà hành của mình đã đạt được danh hiệu Michelin Một sao. Đây được xem là một thành tích lớn với một đầu bếp trẻ nếu chúng ta biết rằng giành được một sao của Michelin không hề dễ dàng. Đây là danh hiệu do cuốn sách Hướng dẫn Michelin dành cho các nhà hàng – mà trong đó đầu bếp là nhân tố chính tạo nên thành công – đáp ứng các tiêu chuẩn về món ăn ngon, an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất, … Danh hiệu này có giá trị khá cao trong thế giới ẩm thực ở châu Âu. Anh đã đạt được danh hiệu này sau khi Michelin đã cử đại diện của mình đến nhà hàng một cách bất ngờ, và yêu cầu anh làm cho họ các món ăn và chấm điểm. Đạt đẳng cấp hai sao không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì còn đòi hỏi ở quy mô, vị trí, … của nhà hàng, nhưng đó vẫn luôn là mục tiêu của Jean-Baptiste. Và một trong những kỷ niệm đọng lại mãi trong lòng anh là anh đã được vinh dự phục vụ cho hai vị nguyên thủ quốc gia Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay tại nhà hàng của mình.
Từng làm việc tại London, New York, Ma-rốc, Trung Quốc, … và tiếp thu nhiều phong cách ẩm thực khác nhau, vì thế Jean-Baptiste thường thay đổi thực đơn theo tuần, theo mùa, và đồng thời anh hay pha trộn và phối hợp những cách nấu ăn khác nhau trên thế giới. Cũng như khi tới TP.HCM lần này, anh đã giới thiệu món ăn mới lạ, kết hợp giữa lá hoành thoánh và gan ngỗng Pháp.
Jean-Baptiste còn thường xuyên mở các lớp dạy nấu ăn tại nhà hàng của mình và tham dự các lời mời dạy học tại các nhà hàng lớn trên khắp thế giới. Đây là lần thứ hai anh trở lại Việt Nam, và anh rất thích thú đứng lớp dù bất đồng về ngôn ngữ. Tuy nhiên, theo anh, bất đồng về ngôn ngữ không hề cản trở dạy học của mình. Bởi, ví dụ đến Việt Nam, anh có những cộng sự trong bếp, họ rất hiểu ý anh và sẽ giúp đỡ anh nên việc dạy nấu ăn cũng không có gì là quá khó khăn.
Thanh Thiên - Ảnh: Xuân Hiến