Bếp gia đình

Đặt báo

thuyquynh
Đầu bếp: thuyquynh

Chuyên gia nấu ăn

Trở về mái nhà xưa. Ôi, nhớ....

thuyquynh đã gửi 149 công thức món ăn & 86 bài blog

bạn đã thêm 1 công thức món ăn vào sổ tay

Người nhuộm màu cho phở Việt

Nguyễn Thị Thanh Nguyên – Giám đốc và chủ nhà hàng phở Hai Thiền - 14 Bùi Viện, Q.1, TP.HCM

Gặp gỡ, trò chuyện và hỏi thăm chị Thanh Nguyên về phở, về cách chế biến và nhuộm màu phở từ rau củ quả tươi không khó. Cái khó chỉ xuất hiện khi chúng tôi đề nghị được giới thiệu về chị và hình ảnh một người phụ nữ tận tâm với từng lon gạo, sợi phở và công việc quảng bá phở Việt vì “Chỉ cần một người khách đến dùng tô phở ở quán. Họ ăn hết cái, húp hết nước là đã hơn tất cả mọi lời nói và giới thiệu rồi!”. Đó cũng chính là tâm niệm của chị Thanh Nguyên khi thành lập thương hiệu phở Hai Thiền.

Con đường bánh phở

Đầu những năm 1980, gia đình ông Hai Thiền đã khiến cho cả giới sành ăn phở, mì quảng… tại La Gi (tỉnh Bình Tuy cũ) phải ngỡ ngàng vì được thưởng thức một món ăn truyền thống của người Việt nhưng với một chất lượng vượt hơn hẳn! Sợi bánh phở tươi, dai, không gãy mà hoàn toàn không hề sử dụng hóa chất hay hàn the đã chinh phục người thưởng thức ở khu thị tứ nhỏ bé đó. Bánh phở của gia đình ông Hai Thiền vì thế nhanh chóng chiếm lĩnh thi trường gần như tuyệt đối chỉ trong một thời gian ngắn. Mỗi ngày lò bánh phở của gia đình Hai Thiền cùng cấp cho các quán phở, hàng ăn ở thị xã La Gi khoảng 450 kg bánh phở, trung bình 10 tấn/ tháng!

Cô con gái Út của gia đình Hai Thiền là chị Thanh Nguyên từ năm lên 8 tuổi đã được hướng dẫn cách thoa dầu, ủ bánh, sắp bánh, vo gạo, xay bột, ngâm bột, tráng bánh… Mỗi ngày cả gia đình vất vả thức dậy từ 4h sáng và đầu tắt mặt tối đến tận khuya. Vì thế, cô bé Thanh Nguyên ngán ngẩmđến nỗi chị chưa bao giờ có ý định sẽ nối nghiệp gia đình. Nhưng duyên nghiệp với sợi phở của chị cứ mãi nối dài ra mãi…


Tốt nghiệp Đại học ngành Tài chính – Kế toán tại TP.HCM, năm 1988, chị Nguyên làm quản lý kho hàng một nhãn hiệu mì ăn liền của Thái Lan. Thời gian này, chị biết được sự khắt khe của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp nước bạn. “Những kinh nghiệm học hỏi được từ doanh nghiệp Thái Lan này là những hành trang quý báu cho chặng đường sản xuất bánh phở sạch của tôi sau này.”

Bảy năm sau đó, xoay chuyển trong guồng quay của công việc may mặc, gia công… nhưng hiệu quả không cao, chị Nguyên ngày càng cảm thấy mình đã chọn sai con đường tiến thân. Cùng lúc đó, hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton dùng món phở trong một lần công du thăm Việt Nam hiện lên rõ nét và đầy cảm xúc trong lòng chị. Để rồi cuối cùng, chị Nguyên quyết định quay trở về với bột, gạo, và những sợi phở đã nuôi lớn mười một anh chị em của mình!


Ngon do bí quyết, tốt vì chữ Tâm

Quán nhỏ nằm trên đường Bùi Viện (TP.HCM), màu vàng dìu dịu khiến không gian trở nên ấm cúng. Nhìn bề ngoài chẳng có gì đặc biệt ngoài dòng chữ “Phở Hai Thiền – 100% tinh khiết từ thiên nhiên” gợi sự tò mò cho thực khách qua những “đóa hồng” bánh phở được ghi chú là: phở cải xanh, phở bí đỏ, phở gấc, phở gạo lứt… Nhỏ nhắn là vậy nhưng quán không bao giờ vắng khách, đặc biệt là những vị khách nước ngoài. Họ đến ban đầu cốt để thử một lần cho biết “món ăn nổi tiếng của Việt Nam”. Để rồi sau khi từ tốn thưởng thức từng sợi phở màu xanh đượm vị cải, màu đỏ thoang thoảng vị gấc…, húp sạch sẽ thứ nước dùng đậm đà mà lại rất ngọt xương, ngọt thịt của quán, hầu hết các vị khách nước ngoài đều thốt lên: “Great!” (Tuyệt vời!). Sau đó, nếu họ có tò mò muốn tham quan dây chuyền làm phở thì chiếc máy sản xuất phở tại tầng 1 sẵn sàng đáp ứng, không hề dấu nhẹm bí quyết!


Và với chị Thanh Nguyên – nữ chủ nhân, giám đốc doanh nghiệp phở Hai Thiền – người đã bỏ biết bao công sức, mồ hôi vào dây chuyền sản xuất phở này thì đó là một phần thưởng quý giá hơn tất cả những lời ngợi khen của giới truyền thông. Từ khi dốc sức tìm hiểu để “nắm bắt” tính nết của bột, biết cách sấy bột sao cho bánh dai mà không giòn, rồi phác thảo, thiết kế loại máy sản xuất bánh phở cải tiến gọn nhẹ, tiết kiệm năng lượng và có thể sử dụng nguyên liệu đốt đa dạng tùy từng vùng miền (máy sản xuất phở ở miền Tây có thể dùng trấu, mạt cưa… để đốt, ở nước ngoài có thể dùng điện; ở vùng núi có thể dùng than, củi…), chị Nguyên đã “trả” học phí là cả tuổi trẻ và hơn… 1,5 tỉ đồng!

Bạn bè và người thân quen biết chị Nguyên thường đùa: “Chỉ có 30.000đ/ tô phở mà bỏ công nhiều quá!” Bởi vốn là người cầu toàn, chị Nguyên đã tự tay thực hiện việc nhuộm màu cho phở bằng cách xay lấy nước các loại rau củ tươi như bí đỏ, cải xanh, cải tím, gấc… Chưa hết, cho đến bây giờ, khi đã giữ cương vị là Giám đốc, chị vẫn không bỏ thói quen ninh nồi nước dùng cho quán Hai Thiền suốt ba ngày liền để có vị ngọt tự nhiên từ xương chứ không gợn chút bột ngọt nào!

Dùng tấm lòng và cái Tâm trong sáng, hướng đến người tiêu dùng, những sợi phở mà chị Nguyên dày công sáng tạo đã lấy được tình cảm của rất nhiều thực khách trong và ngoài nước. Một kỷ lục Guiness được xác lập trong những ngày cuối tháng 12.2010 vừa qua cho “Người đầu tiên tạo màu sắc hoàn toàn từ rau củ cho bánh phở” chính là món quà rất xứng đáng cho người phụ nữ duyên dáng này!

Nguyệt Kim, Ảnh: Hoàng Miên

Kỷ lục Guiness cho người phụ nữ đầu tiên nhuộm màu phở Việt bằng rau củ

Tên thật: Nguyễn Thị Thanh Nguyên, đoạt kỷ lục Guiness: Người đầu tiên tạo màu sắc hoàn toàn từ rau củ cho bánh phở, được xác lập ngày 19.11.2010. Thông tin được in trên chuyên san Kỷ lục Việt Nam và bộ sách Niên Giám kỷ lục Việt Nam, trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam.

Sản phẩm phở rau củ của chị Nguyên không phá đi mùi vị của sợi phở mà vẫn giữ được mùi thơm gốc thoảng nhẹ của rau củ. Trong thời gian tới, chị Nguyên dự định sẽ ra mắt phở ngọt nhiều màu từ trái cây như xoài, đu đủ…

Từ cuối năm 2010, bánh phở Hai Thiền đã có mặt tại các nhà hàng phở ở Haiwai, Hoa Kỳ. 


Các bài liên quan