Sáng nay đem câu chuyện cá cóc kể cho chị bạn, thì biết được tên thật của cá cóc là cá thòi lòi ;)) Không ngờ nó lại còn lại một món ăn khoái khẩu của nhiều người. Thế này thì chắc sáng sáng mình chạy ra đây chợp cá, đi bán kiếm tiền chơi




Nói vậy chứ đọc bài viết về cá thòi lòi tự dưng thấy mún nếm thử món cá này quá, mà ko biết mua nó ở đâu (trong trường hợp mình chợp cá hổng được



Mình mạn phép post bài viết về cá thòi lòi mình tìm được cho mọi người cùng đọc nhé!
Nhìn bát cháo cá nghi ngút khói trước mặt, cô bạn đi cùng tôi xuýt xoa: "Chu choa, thơm quá”. Và rồi, khi thấy cô nàng ăn như nâng niu từng thìa cháo, tôi cảm nhận rõ trong đôi mắt cô niềm hứng khởi mạnh mẽ. Bởi, lần đầu tiên cô được thưởng thức món cháo cá, mà lại được làm từ món cá rất đặc biệt: cá thòi lòi.
Con cá với nhiều nét duyên ngầm
So với dân phố thị thì con thòi lòi còn quá xa lạ và hơi "ớn cảm". Song dân sành ăn vùng duyên hải Nam Bộ lại nói: "Nó xấu nhưng dễ xài". Tìm hiểu thì được biết, thòi lòi có hai loại: sông và rạch. Loại ở sông lớn gần bằng cổ tay người lớn, thịt ngon đến độ ăn... quên cả mời bạn bè. Loại này sống theo các vùng nước lợ: Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau... Riêng đám thòi lòi rạch chỉ lớn bằng ngón tay trỏ người lớn, có thể sống ở những vùng nước ngọt như Bến Tre, Cần Thơ. Loại này rất tanh, có khi gà vịt còn ngó lơ. Nếu tìm hiểu kỹ, sẽ thấy loài cá mang tiếng là xấu xí của vùng sông nước Nam bộ này có nhiều nét duyên ngầm lắm nhé. Những tính cách tiềm ẩn ấy sẽ ngấm vào bạn khi thưởng thức từng hương vị ngon ngọt của miếng cá này.
Món bình dân nhưng...danh giá
Nếu tò mò và muốn tìm hiểu "ba điều bốn chuyện" về loài cá của vùng duyên hải Nam bộ này, vào ngày cuối tuần, bạn hãy cứ mạnh dạn ào một chuyến xe về miền Tây, cùng bè bạn tìm ăn món cá thòi lòi. Chắc chắn, khi về thành phố rồi, lòng bạn vẫn còn ngất ngây. Thật vậy, hương vị ngọt bùi của thịt cá rỉa nhỏ, giao hòa cùng ít thịt nạc heo, tép bạc cũng bằm nhuyễn sẽ khiến bạn nhớ mãi. Cháo nhừ mịn, bốc khói, thơm điếc mũi. Xen kẽ và kết nối là ít nấm tuyết giòn sừn sựt. Gặp mưa rừng bỡn cợt, cháo càng mau cạn nồi.
Vào mùa mưa, có dịp nghỉ đêm trong Khu sinh thái Vàm Sát, Cần Giờ, khách sẽ nghe thòi lòi hát gọi bạn tình. Bạn sẽ cảm thấy đó như là tiếng mời gọi bắt cặp của đám nhái đồng mùa sa mưa. Ðấy cũng là điệu nhạc hồi sinh của giống sinh vật lưỡng cư xấu xí này. Hẳn họ hàng nhà loài cá này sẽ nhớ ơn khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bởi ngoài khu này, họ hàng chúng thường bị dân địa phương rình bắt từ lớn chí nhỏ.
Hậu duệ của khủng long?
Ở thành phố Hồ Chí Minh, muốn ăn món cá thòi lòi một nắng, bạn hãy ngược về phường Tân Phong, Quận 7, nhà hàng Hàng Dương. Kỹ thuật chế biến món cá này, nhà bếp kiên quyết giữ bí mật. Tuy nhiên, khi ăn vào, dân sành điệu cho rằng chúng còn ngon hơn loại cá lóc một nắng. Cũng xin nói thêm, dân Nhơn Trạch, Ðồng Nai còn gọi con thòi lòi sông là bống thùng. Món ruột của một số bà con xã Phước Khánh, Nhơn Trạch là bống thùng hấp bia, cuốn bánh tráng rau sống. Món này thường được dùng để đãi khách quý. Nếu có dịp thẳng về đất Mũi, bạn nên thưởng thức miếng khô cá thòi lòi nướng mặn rồi nhấp ly trà quạu, góp chuyện tiếu lâm. Có người đồn rằng, thòi lòi là chắt, chít của khủng long hoặc là... em ghẻ của cá sấu. Cũng có thể đó chứ!
Giống thòi lòi rất hung dữ. Nếu được nhốt chung, chúng sẽ cắn lộn nhau đến te tua, tơi tả. Do vậy, những chủ vựa phải may miệng chúng lại hoặc làm mù mắt. Loại cá này có thể nhịn đói bốn, năm ngày mà vẫn tươi tỉnh. Một số cô gái phố thị về Cần Giờ làm dâu, mới đầu không dám làm thịt con cá xấu xí này. Nhưng khi các cô bạo gan làm xong, cá vẫn có thể... gây sửng sốt. Cụ thể, khi cô gái mang thân cá vừa làm xong ra cầu ao rửa, nó có thể vùng mạnh, vuột khỏi tay, bơi lúc lắc xuống đáy ao sâu, mặc cho cô dâu mới ngơ ngẩn nhìn theo.
Bài: Tạ Tri - Ảnh: Đức Nguyễn (Theo PNC)
Chủ đề mới được bình luận