(BGĐ) - Mẹ tranh thủ từng khoảnh khắc bên con. 30 phút đón con từ trường về nhà, 30 phút bên mâm cơm tối, và 90 phút học bài cùng con… để mẹ biết tâm trạng, mong ước, nguyện vọng… của con, để mẹ điều chỉnh ứng xử, phương pháp của mình, và cả học được từ con lối suy nghĩ hồn hậu, hài hước, trong trẻo và bao dung.
- Con trai 10 tuổi vào lớp 5, mỗi ngày về hay kể chuyện ở lớp, nói chung là cô giáo chủ nhiệm rất nghiêm khắc (theo mẹ nghĩ). Sau mỗi chuyện kể, con thường kết luận “Cô con khó tính lắm, bạn nào cũng sợ!”. Mẹ động viên: “Cô nghiêm khắc thì trò mới nên! Mẹ thấy dạo này con viết chữ đẹp hẳn, mỗi tối cũng chuẩn bị bài vở, cặp sách cẩn thận hơn!”. “Dạ, tại cô hay la lắm, như hôm nay nè, cô dặn đem theo một tấm ảnh để làm cuốn kỷ yếu của trường, mai ai không đem thì đừng vào lớp!”. Tối nay con lại kể chuyện về cô giáo, em Bim 8 tuổi hỏi: “Cô dữ vậy chắc anh ghét cô lắm hả?”. “Ghét gì mà ghét, Bim thử học lớp anh đi rồi biết, lúc đầu chưa quen thì mình thấy khó chịu, quen rồi thì cũng bình thường thôi!”. Mẹ ừ để xác nhận ý kiến con là đúng. Thế là con vui vẻ tiếp chuyện: “Mẹ, cũng như hồi mẹ mới sinh em Moon, con có nhiều việc phải làm hơn, chưa quen nên thấy khó chịu, giờ thì hết rồi!”.
- Con học bài môn Khoa học về chuyện tinh trùng và trứng gặp nhau thì sẽ thành thai nhi. Rồi phụ nữ mang thai cần chăm sóc như thế nào. Con học thuộc lòng rồi nhờ mẹ dò bài. Sau đó, con bảo: “Hồi mẹ mang thai em Moon, bố vất vả vì chăm sóc mẹ, giờ bố còn mệt hơn vì phải chăm sóc cả em nữa mẹ nhỉ”. Mấy hôm sau, mẹ đi đón con rồi tranh thủ ghé bác sĩ để khám phụ khoa. Con trai nhìn bảng: “Bác sĩ phụ sản” thì lẩm bẩm: “Sản phụ là phụ nữ mới sinh, vậy bác sĩ phụ sản là khám cho phụ nữ mang thai hay mới sinh. Mẹ sinh em Moon lâu rồi, chẳng lẽ giờ mẹ đi khám thai?”.
- Con kể hôm nay thi môn Taekwondo tốt. Môn này và kéo co thi cùng lúc nên con không tham gia kéo co được, cô phải cử bạn khác thay thế, con tiếc ghê. Mẹ hỏi sao con bảo tuần trước thi mà con quên nên bỏ lỡ. Con cười: "Nhà trường dời lịch lại đó mẹ!". Mẹ cũng cười: "Ừ, may quá ha!".
Từ hồi nhập học, khi cô bảo đăng ký tham gia Hội khỏe Phù Đổng ở trường, con đã hăng hái ghi tên đủ các môn: cầu lông, bóng đá, kéo co, Taekwondo... rồi gì gì nữa, "Mà cô nói con tham gia nhiều quá, phải để dành cho các bạn khác nữa chứ!", con ấm ức vì chỉ được thi có 4 môn thôi. Với Taewondo, mẹ biết con tự tin vì ít bạn nào ở tuổi con mà có đai đỏ - đen, năm ngóai con đã đọat giải nhất tòan trường, nên nếu bỏ lỡ môn này thì con tiếc lắm. Khi mẹ nói may quá, con phụng phịu: “Dạ, cái vận may của con lâu lâu nó mới họat động, còn đa số đều là xui xẻo!”. Mẹ ngạc nhiên: “Con nói gì kỳ vậy, con xui xẻo cái gì?”. Con tiếp tục: "Thì mẹ cứ nhìn lại những ngày qua trong cuộc đời con thì thấy”. “Thấy cái gì? Chẳng phải con được sinh ra trong cuộc đời này, đó đã là may mắn rồi sao? Chẳng phải con được lành lặn, có một gia đình với đầy đủ bố mẹ và các em, đã là may mắn rồi sao?”. Mẹ bắt đầu hơi bực bội. “Dạ, nhưng mà người ta vẫn nói trong cái may có cái rủi, may nhiều thì rủi nhiều mà mẹ!”. - Sau bữa tối, Bim 8 tuổi mang sổ ghi lời dặn dò của cô giáo ra cho bố xem. Hôm nay cô thông báo trường sẽ tổ chức vui Trung thu, phụ huynh muốn cho con tham gia thì đóng 20,000 đồng. Bố đưa tiền cho Bim mai nộp cô thì Bim bảo: “Con không chơi đâu, vì con không thích loại lồng đèn dùng pin Trung Quốc, kêu inh ỏi nhức đầu, mà nhựa còn độc hại!”.Mấy hôm sau bố về kể sáng nay gặp cô chủ nhiệm của Bim, cô hỏi bố sao không cho con trai chơi Trung thu với các bạn, bố ngớ ra, chẳng biết phải trả lời cô thế nào.
- Bài tối nay Bim phải làm là: "Viết 5 đến 7 câu về mơ ước hoặc cảm nghĩ của em về thầy cô, trường lớp". Mẹ hỏi làm được không, Bim nói được. Và trong khi làm thì cứ lẩm bẩm hát: "Em ước mơ được làm siêu nhân, làm họa sĩ". Mẹ sốt ruột quá, giục: "Làm gì thì làm, phải làm bài xong đã!". Lát sau, Bim quay sang hỏi: "5 đến 7 câu là sao hả mẹ?". "Là ít nhất 5 câu, nhiều nhất 7 câu đó con!". "Vậy con làm 5 câu thôi. Con xong rồi mẹ ơi!". Mẹ liếc qua, thấy 5 dòng thẳng tắp, bụng bảo dạ chắc con mình làm thơ hay sao ấy nhỉ! Hóa ra con viết như vầy:
Em ước mơ được làm họa sĩ
Em ước mơ được làm họa sĩ
Em ước mơ được làm họa sĩ
Em ước mơ được làm họa sĩ
Em ước mơ được làm họa sĩ
Tức là 5 lần câu: "Em ước mơ được làm họa sĩ".
Mẹ chỉ còn biết kêu Trời.
Sau một hồi mẹ giảng giải gợi ý, con suy nghĩ, thì mơ ước của anh ấy mới hiện ra:
1. Vào học lúc 8 giờ thay vì 7 giờ 15 để con khỏi phải dậy sớm
2. Có phòng lab để học tiếng Pháp như ở Idecaf
3. Có phòng giải trí để chơi cờ, xem phim, đọc truyện.
BÀI: NGỌC DIỆP
MINH HỌA: HỒNG NGUYÊN
Theo Tạp chí Bếp Gia Đình số 22
Trò chơi vui vẻ: Mời các bạn tham gia trên facebook với cách thức đơn giản: Chú thích cho hình. 5 lời chú thích dí dỏm nhất sẽ nhận được 5 phần quà từ Tạp chí Bếp Gia Đình http://www.facebook.com/bepgiadinh