- 25/06/2010 14:42 - 5323 lượt xem
- Thích | 1 yêu thích
- Chia sẻ
- 4 bình luận
Nguyễn Huỳnh Vi Vương – Bếp phó Khách sạn Continental (132-134 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM)
Đường phía trước vẫn còn dài!
Là bếp phó tại KS Continental – một khách sạn tên tuổi nằm ở trung tâm TP.HCM – ở tuổi 26 có thể xem là một thành công bước đầu của anh Vi Vương. Nhưng với anh, phía trước còn là một con đường thênh thang mà anh vẫn đang cố gắng bước tới trong niềm đam mê và sự tự hào.
Một quyết định liều lĩnh
Nhớ lại những ngày đầu mới bước vào con đường này, anh Vương tốt nghiệp Cao đẳng Hoá – Thực phẩm của trường TH Công nghiệp Thực phẩm năm 2000. Một ngày tình cờ, anh đến khách sạn Continental và gặp cố chuyên gia ẩm thực Châu Tấn Hiệp, nguyên bếp trưởng của khách sạn lúc bấy giờ. Cuộc trò chuyện với chuyên gia Hiệp về văn hoá ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam bỗng dưng truyền đến cho anh một cảm hứng bất ngờ, khiến anh vô cùng hứng thú với việc sáng tạo món ăn. Vậy là anh xin học việc tại khách sạn, trước tiên là học về bếp Ý. Sự thay đổi này – bỏ hết những gì đã học tại trường và làm lại từ đầu – được xem như một quyết định khá liều lĩnh. Và gia đình cũng không thực sự ủng hộ anh đi theo con đường này. Má anh không ngăn cản mà chỉ buông một câu “Con học hai năm rồi mà má vẫn không hình dung được con nấu như thế nào. Má không biết con có theo được hay không?”. Đó là vào năm 2002, cũng là lúc anh chuyển sang học bếp Việt, và được lên làm bếp chính.
Với mong muốn phát triển nghề nghiệp hơn nữa, vừa học việc tại khách sạn, anh vừa học khoá Quản lý bếp tại trường Nghiệp vụ Du lịch Khách sạn. Khi hoàn thành khóa học cũng là lúc anh được đề bạt lên làm trưởng ca. Trong vòng ba tháng sau đó, anh chính thức là bếp phó Continental khi vừa 26 tuổi. Trong suốt gần mười năm theo nghề, qua bàn tay tài hoa của anh đã có hàng trăm món ăn được sáng tạo nên. Tuy nhiên, lần đứng bếp nấu cho đám cưới một người bạn ở Long An là một sự thử thách ghi dấu ấn đặc biệt trong tâm trí anh. Đó là năm 2003, người bạn nhờ anh về Long An nấu một tiệc cưới khoảng 30 bàn. Anh vui vẻ nhận lời mà không tài nào tưởng tượng ra rằng mình sẽ phải gặp những vấn đề khó khăn đến bất ngờ. “Ở quê, đường xá đi lại khó khăn, phương tiện nấu nướng thì thiếu thốn. Đã vậy, nghe nói đàn ông đứng bếp thì bà con ai cũng thắc mắc, tò mò.” Anh làm bếp mà họ kéo đến xem anh trổ tài như là nghệ sĩ về làng vậy. Và cực không thể tả khi anh phải nấu súp, chiên xào hoàn toàn bằng lò củi. Nhớ lại ngày ấy, anh Vương chỉ có thể thốt lên “Nấu mà mình muốn khóc luôn!” Và đó cũng là ngày mà anh thấy “run” thực sự khi một mình “tả xung hữu đột” trong bếp. Mãi hai ngày sau, anh mới quay trở lại gặp chủ nhà trong tâm trạng hồi hộp. Ông già chỉ nhìn anh và nói một câu hết sức ngắn gọn “Cám ơn con!”. Chỉ một câu nói nhưng làm anh nhẹ nhõm trong lòng, bởi chứng tỏ ông rất hài lòng với bữa tiệc. Và anh không sợ đó là lời nói cảm ơn suông vì nhìn ánh mắt ông, cũng như bản tánh người Nam Bộ “có sao nói vậy” cho phép anh tự hào với kết quả công việc của mình.
Nấu ăn ngon, quản lý giỏi
Thông thường, cứ một quý thì anh phải ra món mới, đổi mới ít nhất 30% trên thực đơn. Giá cả thị trường lại thường xuyên thay đổi, nên anh Vương phải nắm rõ để có thể thương lượng giá cả và quản lý ngân sách một cách hiệu quả nhất. Hiện tại, với anh thương hiệu Continental đã có, quan trọng hơn là phải làm sao để tăng chất lượng lên. Chính vì vậy, người đầu bếp hiện nay không chỉ cần kỹ năng sáng tạo món ăn; mà cần phải trau dồi thêm rất nhiều về kỹ năng quản lý, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lập kế hoạch, v.v… Tuy còn khá trẻ nhưng anh cũng có những băn khoăn cho tương lai ẩm thực Việt Nam sẽ mất đi những nét tinh tuý. Anh luôn quan điểm dù gì đi nữa thì cũng phải giữ nguyên vẹn cái gốc của món ăn. Bởi hiện nay, thức ăn bị lai căng khá nhiều, nhất là ở nước chấm. Mà trong ẩm thực, nước chấm chiếm đến 80% thành công của món ăn bởi đó là tính đặc trưng vùng miền và là “linh hồn” của món ăn.
Vậy sáng tạo món ăn mới như thế nào để vẫn vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, mà vẫn đáp ứng thị hiếu mới của khách hàng. Theo anh, có rất nhiều cách khác nhau, chẳng hạn kết hợp lấy nước chấm của nước ngoài đưa vào món ăn Việt Nam, vừa lạ mắt vừa hợp khẩu vị của người dùng. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng tên truyền thống Việt Nam mà đặt cho nó một cái tên mới phù hợp với nét hương vị lạ ấy. “Bếp trẻ sẽ không thiếu cơ hội, quan trọng là biết nắm bắt lấy cơ hội cho mình!” – anh chân thành chia sẻ.
Trường Xuân - Ảnh: T.Q
Chàng bếp phó kiên nhẫn
Sinh năm: 1980
Quê quán: Cần Giuộc, Long An
Sở trường: Bếp nấu
Người thầy có ảnh hưởng nhất: Cố chuyên gia ẩm thực Châu Tấn Hiệp
Quan niệm: Hãy cố gắng nắm bắt mọi thứ, dù đó chỉ là một cơ hội nhỏ.
Chả tôm
Cách thực hiện đơn giản nhưng nhờ bí quyết tạo vị của nước chấm ngon khiến món chả tôm của anh Vương thật đặc sắc
4 người
Cách làm: Đơn giản
Giá tiền: 50.000 đ
Năng lượng: 250 kcal
Thời gian: 15 phút
Nguyên liệu:
300 gr tôm sú nhỏ
50 gr cá thác lác
10 cái bánh tráng mỏng
2 muỗng cà phê mỡ heo
1 trứng vịt
1 ít bột năng
Muối tiêu, bột ngọt, đường
Cách làm:
Tôm sú lột sạch vỏ rồi đem quết chung với cá thác lác, mỡ heo. Nêm muối, tiêu, đường, bột ngọt vào hỗn hợp. Quết tất cả cùng nhau cho thật dẻo. Dùng bánh tráng dẻo cuốn phần tôm đã quết. Lăn chả giò qua một lớp bột năng rồi chiên với dầu ăn.
Làm nước chấm: Gừng gọt vỏ, đập dập ngâm trong dấm khoảng 1-2 giờ. Sau đó nấu sôi hỗn hợp dấm, gừng lên. Dùng vợt lược hết xác gừng bỏ đi, nêm thêm chút muối, đường rồi nấu tới khi hỗn hợp hơi kẹo lại. Ăn chả giò nóng với nước chấm này.
Bí quyết chinh phục của món chả tôm: Để miếng chả vừa giòn, vừa dai, vừa bóng và không bị khô cần chú ý quết tôm cho thật nhuyễn và dùng trứng vịt kèm theo. Khi quết chả tôm, bạn nên cho chút mỡ heo vào.
PhuongUyen
12:59 26/06/2010bepgiadinh
06:33 27/06/2010haphuochien
14:53 01/07/2010SusuCarot
02:24 03/07/2010