- 20/08/2012 16:46 - 595 lượt xem
- Thích | 1 yêu thích
- Chia sẻ
- 1 bình luận
Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên, hai thứ đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo tẻ dùng để nấu cơm là món ăn chính hàng ngày và xay ra bột để làm bún và các thứ bánh tẻ (1). Gạo nếp thì dùng để nấu xôi, đóng sẵn, làm các thứ bánh chưng, bánh tét, bánh dày và xay ra bột để làm rất nhiều bánh mặn hay ngọt.
Cá sông và cá đồng cùng tôm tép – ở sông ngòi, ao ruộng nào cũng có – là thứ đồ ăn thường của dân ta, nhất là dân nhà quê. Cá thì thường kho, rán, nấu canh, hấp, nướng, thỉnh thoảng làm chả. Tôm – tép – cua thì thường rang hoặc nấu canh. Cá – tôm – cua – mực ở biển thì người ta chỉ được ăn tươi ở những miền lân cận bờ biển, còn các miền ở xa thì chỉ ăn cá – tôm – mực khô cùng mắm (2) với ruốc (3) mà thôi. Cá biển còn dùng làm nước mắm là thứ gia vị thông dụng nhất ở nước ta, nếu không có nước mắm để kho nấu và chấm thì đồ ăn không còn có “màu mè” gì nữa.
Ngoài hai thứ đồ ăn chủ yếu kể trên, ta còn ăn nhiều thứ rau đậu trồng ở vườn hay mọc tự nhiên ở đồng (rau cải, rau diếp, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, rau muống, rau ngổ, đậu, cà, khoai, sắn, vân vân… ), thịt các thứ gia súc (gà, vịt, lợn) và thỉnh thoảng thịt trâu, bò cùng một ít dã cầm dã thú đánh hoặc săn được (cò, chim nghịch, mỏ nhác, le le, cun cút, đa đa, hươu nai, chồn cáo, thỏ, lợn rừng). Thực ra thì người nhà quê ít ăn thịt cầm thú, có người suốt năm chỉ những ngày tế tự ở nhà hay những ngày việc làng ở đình thì mới được ăn một chút thịt. Những ngày giỗ Tết hay hội hè đình đám ấy thì khi tế xong thế nào cũng có cỗ bàn, có xôi oản, các thứ bánh mặn, bánh ngọt và cá thịt nấu theo những cách đặc biệt rất ngon. Những nhà sang trọng thì dùng sơn hào hải vị (4) nấu toàn các món đồ Tàu. Nhà nghèo khổ bao nhiêu cũng gắng kiếm con gà giò hay miếng thịt lợn đem luộc lên mà cúng tổ tiên. Về việc làng thì những người đinh tráng đàn em, tuy không được dự những mâm cao cỗ đầy như các cụ lão nhiêu và chức sắc, nhưng ít nhất cũng được một miếng thịt và một nắm xôi để bù lại chút đỉnh sự ăn kham khổ cả năm.
Những đồ uống của dân ta thường dùng là nước lạnh (lã), nước vối, nước chè (chè xanh, chè mạn, chè tàu), nước lá mùng năm và rượu gạo. Những rượu ướp hoa sen, hoa cúc, hoa hồng, hoa cau, hoa lài gọi là rượu hoa, tựu trung quý nhất là rượu sen, rượu cúc. Lại có một thứ rượu nếp hoặc rượu cái làm bằng gạo nếp ủ men rồi để cả cái mà ăn. Khi uống rượu thường hay dùng đồ nhắm như nem, chả, thịt nướng v.v…
Bữa ăn thường hay cỗ bàn đều dọn trên mâm đặt trên giường, người ăn ngồi chung quanh mâm. Chỉ mỗi người có một cái bát và một đôi đũa, thỉnh thoảng một cái chén rượu là đồ riêng, còn các thức ăn thì đều để chung trên mâm cả.
Khi ăn thì chủ nhà phải mời khách, người nhỏ, người dưới phải mời người lớn, người trên. Các nhà giàu sang thì đàn ông đàn bà thường ngồi ăn riêng. Còn cỗ bàn đình đám thì chỉ đàn ông được dự, bởi vì đàn bà không có quyền tham dự việc làng.
Ngày nay, ở các nơi thành thị thì cách ăn uống đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của Tây phương. Ngoài sự ăn uống hàng ngày vẫn dùng những món ăn đặc biệt của ta thì những khi có tiệc tùng, người ta thường dọn tiệc Tây ở nhà hay ở khách sạn để thết đãi khách.
kienvang
18:40 20/08/2012Mình vẫn hãnh diện mình là người VN