- 28/07/2012 13:23 - 474 lượt xem
- Thích | 2 yêu thích
- Chia sẻ
- 0 bình luận
Nhớ lắm những mùa na
Phạm Thị Nhung
Chắc còn lâu nữa tôi cũng không thể nào quên những mùa cây trái để lại biết bao dư vị ngọt ngào trong những năm tháng tuổi thơ của mình. Mảnh đất trung du quê tôi, mùa nào thức nấy, theo từng mùa mà lại có từng thức quà riêng để lũ trẻ chúng tôi ngày ấy biết đợi chờ, háo hức.
Tiết trời mùa thu se se lạnh, cái nắng ban trưa không còn gay gắt mà nhẹ nhàng phủ xuống khu vườn những tia vàng ấm áp. Khu vườn đó, đã từng có những cây ổi, cây doi trĩu quả trong những ngày nắng vàng giờ đây dần dần lép vế, dành hẳn một khoảng trời riêng cho những cặp mắt xoe tròn đang lấp ló dưới tán lá xanh rờn. Đâu đó phía dưới những tán lá xòe rộng của na, lũ gà con thi nhau chiếp chiếp tranh mồi, gà mẹ ở giữa cục cục phân bua làm lành cho các con.
Từ ngày na bắt đầu kết quả cho đến khi na mở mắt, chẳng ngày nào mấy anh em tôi lại không ra vườn trông quả. Trong tâm trí trẻ thơ ngày ấy, chúng tôi luôn sợ rằng lũ chim vườn sẽ mổ sạch sẽ những quả na chín mà chúng tôi chưa kịp trẩy. Thậm chí, anh tôi còn đặt thêm những chiếc bẫy chim quanh khu vườn, một công đôi việc, vừa trông được na lại có thịt chim để ăn nếu nó mắc bẫy. Thế nhưng nội tôi luôn căn dặn không cho ra vườn chơi vào giữa trưa, có lẽ nội lo lắng chúng tôi sẽ ham chơi mà ngã xuống cái ao gần đó.
Thường thì những quả na chín đầu tiên, bao giờ chúng tôi cũng mang vào cho nội thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhưng cũng chỉ đợi hương vừa kịp tàn, mấy anh em đã réo nội từ bên hàng xóm về để hạ lễ. Sau bao nhiêu ngày háo hức, cầm trên tay quả na chín đầu mùa, những mắt na căng tròn như muốn nứt toang lớp vỏ ngoài trắng bạc, chưa kịp đưa lên miệng đã muốn ứa nước miếng. Những cây na trong khu vườn của nội đều là giống na dai, tuy quả không to nhưng ít hạt và đặc biệt rất thơm ngọt. Bửa đôi quả na, những múi nhỏ trắng ngần dính vào nhau nom đến là ngon mắt, bóc từng mắt nhỏ đưa lên miệng chỉ muốn ngấu ngiến cho kì hết, cảm giác ăn bao nhiêu cũng chưa đã cơn thèm.
Hạt na được chúng tôi gom lại, đem phơi khô cho nội dành làm thuốc, mỗi khi có đứa nào trong chúng tôi có chấy lại được nội đem ra sử dụng. Cách làm của nội cũng rất đơn giản, lấy hạt na khô giã nhỏ, trộn với giấm hoặc rượu sau đó ủ lên đầu trong vòng mười lăm phút. Thi thoảng quần hay áo của ai trong nhà bị những con bọ mạt bò sang từ ổ gà, ổ rơm nội cũng lại lấy hạt na giã nhỏ để ngâm quần áo, đảm bảo chấy, rận, bọ mạt nào cũng sợ mà bò đi hết.
Mẹ thường kể ngày xưa ngoại cũng trồng một cây na sau vườn, mẹ sinh tôi vào mùa thu, nên sau khi sinh mẹ được ngoại dành trọn cho một mùa na để bồi dưỡng. Nghe nói na là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh, có lẽ cũng nhờ vậy mà hồi nhỏ tôi được tiếng là rất bụ bẫm. Bây giờ, thi thoảng đi vào quán cà phê, tôi cũng tự thưởng cho mình một ly sinh tố mãng cầu, tên gọi khác của na, mỗi khi thấy cơ thể mệt mỏi hay xả tress do công việc. Thế nhưng làm sao so được với vị na thơm ngọt đầu mùa ngày xưa, dường như những món ngon trong tuổi thơ tôi chẳng có sơn hào hải vị nào có thể sánh bằng…
Mùa na mỗi năm chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng, đâu đó mới thấy người ta gánh thúng na đầu mùa đi bán đã lại chẳng tìm thấy đâu nữa. Nhiều người hối tiếc vì tới mùa na mà chưa kịp thưởng thức, lại đành ngậm ngùi chờ cho tới mùa na năm sau. Bây giờ đi xa quê hương, thảng hoặc lâu lắm mới bắt gặp người quẩy thúng na bước chầm chậm đi bên hè phố vào một buổi chiều thu như hôm nay, chợt như bắt gặp món quà của những ngày ấu thơ năm nào. Những mùa na ngày xưa đã đi vào kí ức đẹp về một miền quê yêu dấu.