bepgiadinh
Đầu bếp: bepgiadinh

Vua đầu bếp

Bếp Gia Đình phiên bản mới, có nhiều hơn những gì phụ nữ muốn, ra mắt...

bepgiadinh đã gửi 22 công thức món ăn & 141 bài blog

bạn đã thêm 2 công thức món ăn vào sổ tay

Gặm bánh mì ở Sài Gòn

Phạm Công Luận

Nhớ hồi nhỏ tôi có đọc một truyện ngắn có tên “ Những khúc bánh mì của anh Tấu”. Trong đó, tác giả là một cậu học trò rất mê ăn bánh mì của người bán rong trước cửa trường tên là Tấu. Bánh được ủ trong một cái giỏ, luôn nóng, kẹp miếng chả bò rất thơm ngon ở giữa. Cậu bé ăn bánh mì anh Tấu hoài mà không biết ngán, nhất là khi mùa đông lạnh có trong tay ổ bánh mì nóng. Cho đến khi anh Tấu bị ho lao, vừa bán vừa ho sù sụ trong gió lạnh, học trò trường đó tẩy chay, không ai dám mua bánh mì của anh nữa. Trừ cậu bé trong truyện bất chấp căn bệnh của anh, tiếp tục gặm bánh mì anh Tấu. Tôi còn nhớ câu anh Tấu hỏi cậu bé: “ Bây giờ chắc cậu không dám ăn bánh mì của tôi nữa phải không?”. Cuối cùng anh Tấu cũng nghỉ bán vì bệnh nặng thêm, để lại cậu bé một nỗi tiếc nhớ lớn.

Ai cũng có một người bán hàng lý tưởng của mình trước cổng trường. Tôi cũng có một anh Tấu hồi mới lớn trong những buổi sáng đi học. Con hẻm trên đuờng Hai Bà Trưng gần Khách sạn Quê Hương có hai ông cùng đi bán bánh mì với nhau. Thật ra, chỉ có một ông bán và ông kia làm gì không rõ, lúc nào cũng đứng cạnh bên. Ông bán bánh mì có đặc điểm là hút thuốc bằng lỗ mủi. Lúc nào cũng thấy ông nhét một điếu thuốc là vào lỗ mủi bên phải và ra khói bằng mủi bên trái một cách kỳ cục. Vừa hút, tay ông thoăn thoắt lấy bánh mì trong rổ ra, dùng dao xẻ một rãnh ở giữa, nhét cục chả (giò) lụa vào. Đặc biệt, bánh mì ông luôn giòn, xốp và thơm, cục chả lụa luôn luôn xắt miếng to. Cả miếng dưa leo cũng to, miếng ớt đi theo cũng to. Chả thơm, dưa tươi, thêm tí muối tiêu nữa nên rất ngon, cắn một cái là ngập răng. Bánh của ông luôn luôn đắt, hết trước chín giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông dùng con dao cắt xoẹt một miếng chả, rất trìu mến đưa cho ông phụ bán đứng chầu rìa kia : “Này, ăn đi!”. Ông kia ngay lập tức bỏ vào mồm, nhai ngon lành. Lần đầu đến mua bánh mì, tôi trố mắt nhìn kiểu hút thuốc kỳ cục và miếng chả “tình thương mến thương” giữa hai ông. Riết rồi cũng quen. Và những người khách khác chẳng thấy ai thắc mắc gì. Đến một lúc sau đó vài năm, hai ông cũng biến mất, không để lại dấu vết. Con hẻm vẫn đông, có thêm mấy cái ghế cóc bán cà hê vỉa hè và khách đành đi ăn sáng ở chỗ khác.

Bánh mì (by lkthinh2002)

Có một bài viết nói về chuyện người Nhật du lịch Víêt Nam. Tổng kết về sở thích ăn uống của họ ở đây, tác giả cho biết món mà họ mê nhất không phải là phở mà là …bánh mì kẹp thịt. Lý do là nó thơm ngon và có hương vị khác lạ với bất kỳ loại thực phẩm tương tự trên thế giới. Hai nữa là tiện dụng. Và chắc là lý do thứ nhất quan trọng hơn. Điều này không khiến tôi ngạc nhiên vì có dịp đi đây đó, tôi thấy điều đó là sự thực và không hiều vì sao kiểu bánh mì của mình mấy nước khác không chơi. Bánh mì của họ có thể rất mềm, hoặc rất cứng, đen hoặc trắng, nóng hoặc nguội ngắt nhưng vừa giòn , xốp, có cái cạnh bánh giòn thơm, hơi cháy vàng thì chưa thấy và ai có thấy đuợc xin chỉ giáo. Loại bánh mì giòn ấy, vẫn ngon lành từ những năm bao cấp nghèo khổ, dù ăn không kẹp cái gì ở giữa vẫn ngon vì dù là bánh mì lạt nhưng vẫn hơi ngọt, hơi mặn. Và trong suốt tuổi thơ của rất nhiều người Sài Gòn, tôi tin nó có vị trí đáng nể. Sáng không có nhiều tiền, mua ổ bánh mì lúc nào cũng rẻ rề. Lấy hộp sữa đặc Ông Thọ chế vào dĩa và bẻ tứng miếng bánh để quết đưa vào mồm. Sữa ngọt và béo, bánh mì giòn, còn muốn gì nữa. Hôm nào không tất bật đến lớp, đi làm thì pha một ly sữa nóng, bỏ tí cà phê theo kiểu pha pạc-xỉu. Lại bẻ bánh mì chấm sữa. Món này hương vị khác món trước. Bánh mì chấm sữa nóng hương vị toả ra thơm, hơi chua nhẹ, dễ nuốt hơn và ăn xong cũng no nê.

Bánh mì đi với người nghèo, nhất là con nít nhà nghèo. Hôm nào không kịp ăn ở nhà thì mua bánh mì bì. Chẳng có gì bổ béo ở thứ bánh này nhưng ngon và có hương vị riêng. Bì (da) heo trộn thính thơm phức, ăn dai dai. Nước mắm pha loãng có thêm tỏi ớt chan vào thấm ổ bánh mì. Hôm nào có tiền thì cho phối hợp ba thứ: bánh mì, fromage Đầu bò và chuối già. Ăn kiểu này thì cắn một miếng bánh, đớp một miếng chuối và nhai một miếng fromage. Ngon lắm và béo ngậy. Tuy nhiên, bây giờ không thấy ai ăn kiểu này vì dù tôi biết kiểu ăn kết hợp fromage với bánh mì đã có từ thời Nam kỳ là thuộc địa Tây. Còn bánh mì bì nghe đâu còn bán mấy cổng trường tiểu học chứ ngoài đuờng không có mấy. Cách nay một năm, khi vào một xóm làm đồ gốm ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, khi lỡ bữa tôi được anh bạn ở đó mua cho một ổ bánh mì. Giá chỉ ba ngàn đồng, ăn sao thấy ngon và nhớ tuổi thơ quá chừng.

Bánh mì (by lkthinh2002)

Nhưng bánh mì vẫn chơi đuợc với người giàu. Tiệm bánh mì Như Lan ở Hàm Nghi xuất thân từ bán bánh mì, bây giờ rất lừng lẫy với đủ món ăn chơi như đùi gà rán, bánh bao, xôi lá sen, xôi khúc, xúc xích…Nhưng ai cũng gọi cái tiệm to đùng ấy là Bánh mì Như Lan, theo kiểu “ ra Bánh mì Như Lan mua cái bánh bao”. Và bất cứ tiệm ăn sang trọng nào của Sài Gòn đều có bánh mì, từ Givral có người Anh trầm lặng Graham Green ngồi cho đến Brodard, từ Paris Deli đến CIAO, từ Phượng Các đến Sài Gòn Phố. Bánh mì ăn với trứng ốp la, om lết, bò kho. Cái đĩa sứ Minh Long trắng bong, trứng cũng trắng, lòng đỏ vàng. Ăn xong thấy khô khan cả họng, chiêu vội miếng cà phê đá. Tôi không cảm thấy ngon. Bánh mì với đặc tính xốp, thẩm thấu nước nên ngon khi kẹp bánh mì thịt, pa tê hay thậm chí kẹp miếng ốpla ở giữa vẫn ngon hơn khi ăn kiểu Tây, bánh ra bánh và thịt ra thịt. Và bánh mì kẹp thịt với giá năm, bảy ngàn đồng đó chính là loại bánh mì mà người Nhật ba lô, trong đó có dăm người bạn của tôi, cảm thấy mê mẩn khi ngồi gặm trong một cái qúan bình dân nhưng sạch sẽ ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, cắm đầu vào những cuốn sách dày cộp hay Lonely Planet

Và hotdog, hamburger ơi, người đến làm chi để rồi quay lui khi đất nước này đã có một người khổng lồ chễm chệ, từ hang cùng ngõ hẻm cho đến quán hàng sang trọng, có khả năng đáp ứng khẩu vị bao người với lắm thứ nhân bên trong như vậy. Ổ bánh mì thân thương vàng ruộm và thơm phức, dù có đôi khi phải ngoảnh mặt làm ngơ khi nhìn bàn tay người bán hàng vừa nhét thịt vào ổ bánh vừa cầm tiền thối cho mình, nhưng vẫn dễ chịu làm sao khi đến lớp hay cơ quan, mở cặp ra đã thấy bát ngát vùng khứu giác. Và lúc đó, miếng ớt cũng thơm khi đi cùng patê hay thịt quay, thịt xá xíu và vài cọng ngò. Đến lúc này, vị giác đã bị bánh mì kẹp thịt đánh gục để bắt đầu một ngày làm việc hăng say cùng với ly cà phê đá toả hương.

Theo camnhanamthuc

Các bài liên quan