marry.vn dekor.vn baby.marry.vn

Search form

Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên

Bếp gia đình

Ấm lòng cơn mưa giông tháng 7

hikaru
Đầu bếp: hikaru

Nấu ăn giỏi

Thất tình nhưng vẫn ăn nhiệt tình!

hikaru đã gửi 24 công thức món ăn & 20 bài blog

bạn đã thêm 0 công thức món ăn vào sổ tay

 

Những ngày đầu tháng Bảy, mưa len lỏi, rả rích phủ khắp các vạt đồng, trông xa tít một màu xám nặng. Đây là thời điểm nông nhàn. Ở các miệt như Đồng Tháp, An Giang, người dân bắt đầu ngả lưới. Những mẻ tôm cá theo đó đỡ đần gánh nặng mưu sinh của bà con vùng sông nước.
 
Sau những chật vật đời thường, họ lại xôm tụ bên mâm cơm đôi khi chỉ vài con cá kho mặn quéo nhưng âm vang tiếng cười vẫn giòn tan rôm rả.
Hủn hỉn kho tiêu
Có lẽ, chỉ có người dân nghèo miệt đồng bằng sông Cửu Long mới biết đến thứ cá lạ đời này. Thật ra, đó là mớ cá vớt vát được sau mẻ chài khấm khá. Nó chẳng phải là tên của loài cá lạ nào mà là sự góp mặt của những loài cá vụn vặt; nào là lòng tong choai, bảy chàu (trầu), lìm kìm, tép mòng, cá rô non….Nói chung là những gì còn sót lại nơi đáy lưới. Mớ cá to đã được giữ lại để đem ra chợ bán, chủ chài cũng chỉ chừa phần “hủn hỉn” cho mình. Ấy thế mà ngon, người không sành dễ bị đánh lừa, nếu không khéo sẽ bảo: chỉ đáng vứt cho vịt!
 

Cá "xà bần" kho tiêu
Cách sống của người dân nông thôn đôi khi hay đáo để. Mớ cá tươi chong ấy chỉ cần nhặt cho sạch và cho vào nồi…kho mà không cần nhặt nhạnh tốn công. Muốn kho ngon phải dừng nồi đất, ướp đủ gia vị và để lửa riu riu. Món ăn sẽ “bá cháy” nếu cho vào vài trái ớt hiểm xanh và rưới thêm ít nước cho thấm đều vào từng ngách cá. Cũng là một món cá kho khô đó nhưng ở đây là cá “xà bần” đủ loại, nhiều mùi, nhiều vị. Có kho vừa xăm xắp, phải canh để rắc tiêu, thơm đến sặc mùi. Món này đôi khi ngày mưa không cần ăn kèm canh, chỉ một nồi hủn hỉn kho duy nhất bên chén cơm nóng hổi cũng đủ khiến bao tử phải xuýt xoa. Món nhà nghèo nhưng hương vị đậm đà, ấm lòng ấm dạ. Chút cay bùi ngùi khó ngăn được cơn đói cồn sau những buổi đồng muộn lạnh tái vì mưa.
Hương mắm cá
Quả thật, cái mà thiên nhiên ưu đãi cho miền Tây thật dễ khiến các vùng khác “ganh tỵ”. Cá mắm đầy đồng, cây trái mênh mông, thóc gạo bạt ngàn…, cứ như một vùng đất trong mơ. Do đó, cái nghèo của người dân có chăng cũng lắm hào sảng. Những ngày mưa rả rich, chợ họp sẽ kém đông bởi nhà nhà, ai cũng đã dự trữ sẵn những phần cá dùng dần, phổ biến nhất vẫn là dăm ba loại mắm. Mắm linh, mắm sặc, mắm cá lóc, mắm trê…mỗi thứ một ít. Cầu kỳ thì làm mắm chưng hột vịt, chưng thịt, ít tốn hơn thì cứ làm mắm hấp mỡ hành, không thì dùng ăn sống, cách nào cũng ngon rơ.
 

Mắm cá
Ngày mưa, rau tốt tươi nhưng những ngày dầm dề khó mà hái được một rổ rau ngon, thế là cứ “ thủ” sẵn vài quả dưa leo, ít trái chuối chát trong nhà, quệt cùng vớ mắm cũng đã có một bữa cơm nứt bụng. Và khi chế biến mắm, dù cách này hay cách khác, thì cũng khó thiếu mớ ớt tươi. Người mạnh miệng sẽ cắn ớt xanh mà nhai rau ráu, khì khè cho đã miệng. Người ít ăn cay hơn cũng phải giằm cho tan, nhẩn nha từng chút một, lắm người không nhịn được, nhất quyết đòi thêm xị rượu. Quả là hào sảng! Mưa vẫn giăng chằng chịt trong khoảng không xanh xám nhưng đâu đó, dưới những mái hiên lá, vẫn âm vang những tiếng cười xôm tụ.
Đạm bạc tương chao
Nói về món đạm bạc thì có cá kho tương nhưng có lẽ cái món tương chao được liệt vào hàng “lẫm liệt”. Cũng vẫn là món bình dân đúng chất được dự trữ đầy các góc bếp “nhà quê”. Những ngày mưa rả rích, bên cạnh các món dễ tìm thì hũ tương chao cũng trở nên có tình, có nghĩa hơn hẳn. Tương, chao nấu món thì ngon không kém cạnh thịt cá nhưng ngặt nỗi, ngày mưa, khó lòng có bữa ăn chỉn chu đối với người dân miệt đồng bằng. Lắm lúc người ta thích “ăn tươi” cho qua ngày, qua bữa. Ấy thế mà những bữa cơm này cứ vơi, cứ cạn để rồi bao đứa con xa nhà nhớ mãi cái vị khó quên. Lũ trẻ nhà nghèo đôi khi cứ quen “xúc” cơm nguội chan tương hay tí chao cho những buổi chơi đồng hay tắm mưa đói lã.
 

Rau muống luộc chấm tương
Tuy nhiên, muốn ăn cho ngon và làm mâm cơm đúng nghĩa thì cũng phải kỳ công. Đơn giản và phổ biến nhất vẫn là tương khèo – món tương được ninh qua với mỡ hành, gia giảm ít gia vị vừa phải, kèm theo vài quả ớt mọng, dùng kèm mớ rau lang luộc. Thoạt nghe thì đã thấy dân dã nhưng lạ miệng vàk hông khéo thì rất dễ phải xuýt xoa. Món này ăn ngày mưa thì “tuyệt cú mèo”. Riêng chao, người thích chao tiêu, người mê chao ớt, ăn cách nào cũng thú. Muốn đủ chất, chỉ cần vài quả trứng vịt luộc giằm nát, thêm mớ đậu bắp hấp hay lá dong luộc, ngon đến “vỡ lòng”.
Không cầu kỳ, sang trọng, không công phu chế biến, “đặc sản” ngày mưa của người đồng bằng đôi khi chỉ có thế. Nó như mang cả hương sắc tịch mịch của những dải rừng tràm, những vạt đồng xanh thẫm hoà cùng màu nước sông song sánh phù sa của con sông Mêkông uốn lượn.
Không cay xè như món Trung, ấm ấm thanh thanh như món Bắc, cái cay của món ăn miền Nam da diết như chính những cơn mưa mủi lòng. Những trận giông ghì giật thoáng qua như mang theo cả nỗi nhớ ấm áp trong những bữa cơm quê.
 
Theo efood

Các bài liên quan