Giòn thơm cơm cháy Ninh Bình

Mất 2 giờ đồng hồ chạy xe từ Hà Nội về tới Ninh Bình, phần vì đói phần vì thèm hương vị “rượu ngon, cơm cháy, thịt dê”, chúng tôi tìm ngay đến nhà hàng cơm cháy nổi tiếng của cố Đô Hoa Lư Trường Giang ngay đầu thành phố. Gọi 1 đĩa cơm cháy cho 4 người, chủ nhà hàng thoăn thoắt lấy miếng cơm cháy đã được phơi khô để sẵn trong túi nilong kín khí, thả vào chảo mỡ, tiếng xèo xèo át đi tiếng reo réo trong bao tử của các khách hàng đang chờ đợi món. Lúc cơm cháy chín giòn, vàng tơ cũng là lúc xốt thịt bò sền sệt đã chín. Miếng cơm cháy được vớt ra, đặt qua giấy thấm cho ráo mỡ, rồi mới được cho vào chiếc đĩa sâu lòng trắng tinh. Thích nhất là lúc đổ nước sốt thịt bò lên khắp miếng cơm cháy, từng giọt nước xúp tinh túy thấm sâu vào từng miếng, thậm chí từng hạt cơm, người ăn phải ăn nhanh khi khói vẫn còn nghi ngút mới hít hà được hương của lúa, vị ngọt của thịt và một chút cay nồng của ớt bột trong miếng cơm cháy giòn tơi mà vẫn dẻo ngon.
Người chủ nhà hàng nói rằng cơm cháy có từ thời Pháp thuộc. Học được món cơm cháy từ ông chủ người Hoa, một người con của Hoa Lư tên là Hoàng Thăng đã xây dựng một nhà hàng chuyên cơm cháy ở Ninh Bình. Từ đó, cơm cháy đã trở thành đặc sản để khách tới thăm Tràng An, Nhà thờ đá… có điểm dừng chân và thỏa mãn cả thú du lịch ẩm thực của mình. Ninh Bình nằm trong khu vực sinh quyển châu thổ sông Hồng nên lúa gạo được trồng trong vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu đều là những loại gạo ngon có tiếng như gạo tám Hải Hậu, gạo dự, nếp hương… như thế mới đủ thuyết phục được ẩm khách với món cơm cháy của quê hương. Cơm cháy được làm từ loại gạo ngon, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm. Cơm được nấu trong nồi gang dày, khi cơm chín, lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục cấp nhiệt. Vừa cấp nhiệt phải vừa xoay tròn nồi cho nóng đều thì lớp cơm cháy mới mỏng, trắng đều và tự bong ra khỏi thành nồi. Sau đó phải được phơi nắng hoặc sấy khô nhưng phơi nắng tự nhiên vẫn là ngon nhất và gói kỹ vào túi nilon kín để cơm cháy không bị mềm, không bị nấm mốc và chỉ được mang ra chế biến khi khách gọi món.
Cơm cháy Ninh Bình có thể được chế biến cùng với nước xốt được chế biến từ thịt bò hoặc tim cật heo xào cùng hành tây, nấm rơm... Nhiều khi, người ta còn kết hợp với thịt dê khiến món cơm cháy càng hấp dẫn hơn và như thế khách chỉ ăn một món mà được thưởng thức 2 đặc sản của cố đô Hoa Lư.
Đỗ Thu
Bài blog mới được bình luận