Bếp gia đình

Những bộ phim ý nghĩa về tình cha con

maihuong's picture
Father's Day là ngày lễ dành cho các ông bố được tổ chức vào chủ nhật thứ ba của tháng 6 hàng năm. Cùng điểm lại 10 tác phẩm điện ảnh xúc động có đề tài về người cha.

1. Kramer vs. Kramer

"Gà trống nuôi con" với sự tham gia của hai ngôi sao Dustin Hoffman và Meryl Streep đã giành tới 5 giải Oscar quan trọng nhất vào năm 1980. Ảnh: Columbia Pictures.

Chuyện phim bắt đầu bằng việc Ted - một nhà điều hành quảng cáo tham công tiếc việc bị người vợ Joanna rời bỏ, để lại một mình anh với cậu con trai Billy. Lâm vào cảnh "gà trống nuôi con", Ted gặp biết bao khó khăn và cực khổ. Trải qua nhiều chuyện, tình cảm giữa hai cha con anh ngày càng trở nên sâu đậm hơn. Billy dường như đã quên đi sự chăm sóc của người mẹ và cậu cảm thấy vô cùng hạnh phúc trong vòng tay ấm áp của cha. Tuy nhiên, một ngày Joanna trở lại với nhiều sự thay đổi, và cô muốn nhận lại Billy.

Ted không đồng ý và cả hai cùng ra tòa để giành quyền nuôi con. Mỗi người đều có một nỗi niềm riêng khiến khán giả phải rơi lệ. Nhưng rồi Ted đã thua bởi ngày trước anh từng không quan tâm tới vợ con mà giờ đây, Joanna có thể đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho thằng bé. Nhưng chính vào khoảnh khắc chia ly của Ted và Billy, Joanna nhận ra rằng cô mãi mãi không thể tách rời hai cha con họ. Giây phút gia đình ba người Ted, Billy và Joanna đoàn tụ trong niềm hạnh phúc, người xem cũng như vỡ òa với những cảm xúc mãnh liệt nhất.

2. The Godfather

"Bố già" luôn nằm trong danh sách những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của mọi thời đại. Ảnh: Paramount.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, The Godfather từng giành 3 giải Oscar và luôn nằm trong số những bộ phim hay nhất của mọi thời đại. Phim đưa người xem đến với thế giới tội phạm đầy bạo lực, tàn nhẫn với những vỏ bọc giả dối thông qua câu chuyện của một gia đình mafia gốc Italy ở New York. Vito Corleone là ông trùm khét tiếng nhất tại Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, con trai út của ông - Michael sau khi trở về từ Thế chiến II quyết định không tham gia bất cứ phi vụ gì của gia đình. Một trận chiến khốc liệt nổ ra trong thế giới tội phạm khi xuất hiện đối thủ đáng gờm của ông trùm Vito.

Hàng loạt âm mưu và thủ đoạn đã đẩy "bố già" lâm vào bẫy để rồi cuối cùng ông bị bắn chết, người con trai cả cũng thiệt mạng. Trước tình thế này, Michael không thể thờ ơ nhìn những gì cha gây dựng trong bao năm qua bị kẻ thù tàn phá. Anh nhập cuộc vào thế giới ngầm và trở thành "bố già" mới. Không chỉ vẽ nên bộ mặt xã hội đen tối của giới gangster, The Godfather còn cho người xem thấy được ý nghĩa của gia đình, của những con người máu lạnh nhưng luôn đặt tình nghĩa lên hàng đầu. Giữa một thế giới tội ác đẫm máu thì tình cảm cha con giữa Vito và Michael trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.

3. The Pursuit of Happyness

Will Smith và cậu con trai Jaden Smith cùng đóng vai chính trong "The Pursuit of Happyness". Vai diễn trong bộ phim này đã đem tới cho Will đề cử Oscar vào năm 2007 dành cho nam diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Columbia Pictures.

The Pursuit of Happyness là một bộ phim xúc động mang tới những thông điệp đầy tính nhân văn về ý nghĩa thực sự của từ "hạnh phúc". Được dựa trên một câu chuyện có thật, nhân vật chính của phim là Chris - một nhân viên bán máy soi xương luôn gặp thất bại trong việc kinh doanh. Quá bức bối với việc nợ nần của gia đình, vợ Chris đã bỏ đi và để lại cậu con trai nhỏ Christopher Jr. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi hai bố con anh bị đuổi ra khỏi căn hộ do không đủ tiền trả và trở thành những kẻ lang thang.

Đi phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, có lúc Chris và con trai đã phải ngủ qua đêm trong nhà vệ sinh bẩn thỉu của một ga tàu điện. Tuy nhiên, với nỗ lực phi thường, anh không ngừng mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và con trai. Từ "happyness" viết sai chính tả (viết đúng là "happiness") là một trong những điểm quan trọng của bộ phim, thể hiện ẩn ý rằng trong cuộc đời, hạnh phúc là thứ con người luôn đi kiếm tìm mà không hề biết rằng chính chúng ta là những người tạo ra nó.

4. Father of The Bride

Danh hài Steve Martin thể hiện hình ảnh một người cha chứng kiến cảnh con gái đi lấy chồng trong "Father of The Bride". Ảnh: Touchstones.

Father of The Bride xoay quanh câu chuyện về George Banks - một ông bố đứng tuổi chuẩn bị làm đám cưới cho cô con gái yêu quý. Annie - con gái ông quyết định kết hôn với một người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc mà cô mới quen biết được ba tháng. George nghĩ rằng cuộc sống của ông hoàn toàn sụp đổ khi con gái đi lấy chồng. Mặc dù người vợ liên tục động viên nhưng George cảm thấy rất buồn và thường xuyên có những hành động kỳ quặc.

Được làm lại từ phiên bản gốc vào năm 1950, Father of The Bride có sự tham gia của danh hài nổi tiếng Steve Martin. Vai George Banks của ông trong bộ phim này đem đến một sự đồng cảm chân thành đối với những người làm cha khi phải chứng kiến con gái thân yêu của mình đi lấy chồng. Đó là một cảm giác bâng khuâng, xen lẫn niềm vui và cả sự đau khổ được thể hiện qua nụ cười gượng gạo, ánh mắt buồn nhưng chan chứa tình yêu thương vô bờ bến. Father of The Bride mang tới cho người xem tiếng cười và cả nỗi xúc động khôn nguôi khi nghĩ về tình phụ tử.

5. Sleepless in Seattle

"Sleepless in Seattle" là một trong những bộ phim gia đình kinh điển nhất, với sự tham gia của Meg Ryan và Tom Hanks. Ảnh: TriStar Pictures.

Nhân vật chính của Sleepless in Seattle là Sam - một kỹ sư sống ở Chicago. Sau cái chết của vợ, anh cùng cậu con trai nhỏ Jonah chuyển tới Seattle bắt đầu một cuộc sống mới và cũng để nguôi ngoai nỗi đau mất mát. Tuy nhiên, Sam không thể quên được hình ảnh người vợ hiền và nỗi nhớ của anh mỗi lúc một lớn hơn. Trong đêm Giáng sinh, Jonah gọi điện tới đài phát thanh tâm sự về câu chuyện gia đình mình và mong muốn tìm cho cha một người vợ mới.

Hàng nghìn người phụ nữ trên khắp nước Mỹ đã lắng nghe lời thổn thức của cậu bé. Ngay sau đó, hơn 2.000 cuộc điện thoại và hàng loạt lá thư tới tấp gửi đến nhà của bố con Sam. Nhưng Sam thờ ơ với chuyện này và anh khuyên con không nên mất thời gian vào đó nữa. Jonah ngày ngày vẫn đọc thư gửi đến và cậu bé đặc biệt quan tâm tới lá thư của người phụ nữ trẻ Annie. Tình cảm mãnh liệt mà Jonah dành cho cha đã đem tới hạnh phúc mới cho Sam, và cho cả cậu bé.

Sleepless at Seattle nhẹ nhàng, dung dị giống như một bản ballad ngọt ngào đầy ấm áp, đem đến cho người xem dư vị thấm thía về giá trị của tình cha con, của tình cảm gia đình thiêng liêng.

6. The Lion King

"The Lion King" được coi là bộ phim hoạt hình nổi bật của hãng Walt Disney. Ảnh: Disney.

Lấy bối cảnh núi rừng châu Phi, Walt Disney xây dựng nên một xã hội của riêng thế giới loài vật trong The Lion King với nhiều mối quan hệ, mâu thuẫn và cả những tình cảm như loài người. Phim xoay quanh câu chuyện của chú sư tử Simba - con trai vị vua Mufasa trị vì vương quốc các loài vật. Cuộc sống êm đềm của Simba chấm dứt khi người chú Scar âm mưu hãm hại gia đình cậu. Để cứu con trai, Mufasa đã phải hy sinh thân mình. Ân hận sau cái chết của cha, Simba đi lang thang sống cuộc sống tự do tới lúc trưởng thành.

Khi nhận thấy mình đã lớn, Simba cảm giác như có một điều gì đó thôi thúc buộc cậu phải trở về nhà đối mặt với mọi thứ. Một cuộc "hội ngộ" với cha đã khiến Simba nhận ra được sứ mệnh của mình. Cậu quay về cứu vương quốc khỏi tay bạo chúa Scar, tiếp bước cha đem lại cuộc sống yên bình và hạnh phúc cho muôn loài.

The Lion King là tác phẩm hoạt hình thứ 32 của Walt Disney và cho đến nay vẫn là bộ phim hoạt hình vẽ tay ăn khách nhất mọi thời đại. Không chỉ khiến người xem xúc động bởi tình cảm cha con sâu đậm giữa Mufasa và Simba, The Lion King còn ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc về ý chí, nghị lực, bản năng sinh tồn và cả về nhân cách sống được truyền tải một cách nhẹ nhàng xuyên suốt bộ phim.

7. Kolya

"Kolya" đem về niềm tự hào cho điện ảnh Czech tại Oscar năm 1996. Ảnh: Space Films.

Là một tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh Czech vào năm 1996, Kolya đã giành được giải Oscar trong cùng năm đó cho danh hiệu Phim nước ngoài hay nhất. Thời điểm xảy ra câu chuyện là vào năm 1988, khi khối Xô Viết tan vỡ. Louka là một người đàn ông đứng tuổi sống tại Czech và vừa bị mất việc. Ông được người bạn giới thiệu công việc kết hôn giả với một người phụ nữ Nga cần có "thẻ xanh" để ở lại Tiệp Khắc. Sau đó, người phụ nữ này dùng quyền công dân mới để tới Tây Đức với người yêu, bỏ đứa con trai 5 tuổi Kolya ở lại với Louka. Người đàn ông trung niên cảm thấy rất khó chịu với Kolya bởi ông vốn quen với cuộc sống độc thân, tự do nay đột nhiên trở thành một ông bố bất đắc dĩ.

Sự bất đồng ngôn ngữ cũng khiến Louka và Kolya gặp nhiều khó khăn. Họ chỉ sử dụng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với nhau. Trong suốt thời gian ở bên nhau, Louka và Kolya đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn nhưng cả hai càng lúc càng trở nên gắn bó với nhau. Đến khi Kolya phải trở về với mẹ, Louka nhận ra rằng ông đã coi cậu bé là con trai thực sự của mình từ khi nào không biết. Mối quan hệ đặc biệt được thể hiện trong bộ phim từng làm hàng triệu khán giả trên khắp thế giới phải rơi lệ. Có thể Louka và Kolya không cùng chung huyết thống, nhưng sự gắn bó giữa họ thực sự đáng khâm phục đồng thời khiến cho hai từ "cha con" trở nên đẹp và ý nghĩa hơn.

8. Big Fish

"Big Fish" có phong cách kể chuyện độc đáo. Ảnh: Columbia Pictures.

Năm 2003, đạo diễn Tim Burton gây ấn tượng với một bộ phim độc đáo về tình cảm cha con mang tên Big Fish. Chàng trai Will lớn lên với những câu chuyện cổ tích mà cha kể mỗi lần ru anh ngủ. Sau này khi trưởng thành, Will không còn hứng thú với những câu chuyện của cha và cho rằng ông luôn nói dối anh. Trong ba năm, chàng trai trẻ bỏ nhà ra đi và cắt đứt mọi liên lạc với cha. Một ngày kia, khi biết được tin ông mắc bệnh nặng và sắp qua đời, Will quyết định đi khám phá những câu chuyện cổ tích mà cha vẫn kể khi anh còn bé.

Không đơn thuần chỉ đề cao tình cảm cha con, Big Fish còn đem tới cho người xem nhiều thông điệp sâu sắc về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, về sự trân trọng những khoảnh khắc quý báu của thời ấu thơ. Hầu như đứa trẻ nào khi còn bé cũng đều tin vào những câu chuyện cổ tích mà cha mẹ kể, để rồi khi lớn lên những ký ức đó trở thành dư vị khó có thể phai nhòa. Ngôn ngữ điện ảnh độc đáo của Big Fish mang lại nhiều ấn tượng và khiến khán giả sau khi xem xong như thấy cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

9. Taken

Tài tử Liam Neeson vào vai một người cha hết lòng vì con gái trong "Taken". Ảnh: Fox.

Taken là bộ phim hành động rất nổi tiếng của điện ảnh Pháp - Mỹ vào năm 2008. Chuyện xảy ra tại thủ đô Paris tráng lệ nhưng ẩn chứa bao cạm bẫy chết người, Kim - cô gái trẻ người Mỹ - tới đây du lịch cùng bạn với niềm háo hức khám phá vẻ đẹp của "kinh đô ánh sáng". Tuy nhiên, vừa tới sân bay cô đã bị bắt cóc bởi một nhóm buôn người Albania. Cha của Kim - Bryan Mills - là một điệp viên đã hết thời quyết tâm tới Pháp để tìm lại cô con gái thân yêu.

Bryan tự tay làm mọi việc, thâm nhập vào thế giới ngầm của những kẻ kiếm tiền trên thân xác phụ nữ - nơi con gái ông đang bị biến thành một món hàng hóa trao đổi. Hình ảnh người cha trong Taken để lại cho người xem sự cảm phục. Vì con gái, Bryan có thể tàn nhẫn, lạnh lùng và sẵn sàng liều mạng đến hơi thở cuối cùng. Phim đưa tới một cho khán giả thông điệp: hạnh phúc lớn lao nhất đối với mỗi người cha là được nhìn thấy con cái mình an toàn, luôn vui vẻ và từng bước trưởng thành trên đường đời.

10.I Am Sam

Diễn xuất tài tình của Sean Penn và ngôi sao nhí Dakota Fanning trong "I Am Sam" từng lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Ảnh: New Line.

Sam là một người đàn ông thiểu năng trí tuệ một mình nuôi nấng cô bé đáng thương Lucy bị cha mẹ bỏ rơi. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn hàng ngày nhưng họ vẫn có một cuộc sống hạnh phúc bên những người bạn tốt bụng xung quanh. Nhưng một ngày Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em đã tới tước đi quyền làm cha của Sam bởi anh có chỉ số IQ của một đứa trẻ lên 7, trong khi Lucy càng lớn lại càng thông minh. Hai cha con họ đã bị chia cắt vào đúng ngày sinh nhật 7 tuổi của Lucy.

Phải xa người mà mình yêu thương nhất, Sam cảm thấy như ngã xuống hố sâu của sự đau khổ. Tuy nhiên, anh không hề bỏ cuộc mà đấu tranh tới cùng để giành quyền nuôi Lucy. Tình yêu thương dạt dào dành cho con gái của một ông bố thiểu năng đã làm lay động trái tim của biết bao người, trong đó có cả nữ luật sư Rita - một người chỉ luôn mải mê với công việc và không quan tâm tới con cái. I Am Sam là một bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc, đề cao sự thiêng liêng, cao quý của tình cảm gia đình.
 
Theo Vnexpress
  • meomap's picture

    meomap

    11:59 21/06/2010
    ấn tượng nhất với phim I am Sam